Vụ bùng nổ dữ dội từ cách xa 12 triệu năm ánh sáng hé lộ về loại sao hiếm gặp trong Milky Way

R.T | 25/04/2024, 12:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một vụ nổ chói sáng ngắn ngủi đã dẫn các nhà thiên văn học đến với một sao từ mới được phát hiện ngoài thiên hà Milky Way, và như vậy nó có thể là sao từ đầu tiên được biết tới bên ngoài thiên hà của chúng ta.

Sao từ (magnetar) vừa được phát hiện là tàn tích của một ngôi sao từng sáng chói với từ trường cực mạnh, nằm trong thiên hà M82 (còn được gọi là thiên hà Xì gà), cách Trái Đất khoảng 12 triệu năm ánh sáng. Các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) đã phát hiện ngôi sao siêu từ này sau khi nó bùng nổ dữ dội và phát ra năng lượng cường độ cao chỉ trong một phần nhỏ của giây. Nghiên cứu này vừa được công bố hôm thứ Tư (24/04) trên Nature.

Đôi khi được gọi là những nam châm mạnh nhất trong vũ trụ, sao từ là là những sao neutron quay nhanh với từ trường cực mạnh, tàn tích còn lại sau những vụ nổ supernova, với độ sáng gấp hàng nghìn lần Mặt Trời. Tuy nhiên, những vụ phun trào của chúng rất chóng vánh và không thể đoán trước, khiến chúng trở thành mục tiêu khó khăn đối với các nhà vật lý thiên văn. Chỉ có ba vụ phun trào sao từ khác đã được ghi nhận trong 50 năm qua. Vì vậy, theo các nhà khoa học, phát hiện mới mở ra việc tìm kiếm thêm các sao từ ngoài thiên hà.

"Nếu có thể tìm thấy nhiều hơn nữa, chúng tôi có thể bắt đầu hiểu xem những vụ phun trào này xảy ra như thế nào và những sao này mất năng lượng trong quá trình đó như thế nào," Ashley Chrimes, một nhà nghiên cứu của ESA không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Vào giữa tháng 11 năm 2023, kính thiên văn không gian Integral của ESA đã phát hiện một dòng tia gamma đột ngột, ngắn ngủi tới từ hướng của M82. Bức xạ tương tự cũng bùng nổ trong quá trình hình thành các lỗ đen, sự hợp nhất của các cắp sao neutron, và những hiện tượng kỳ lạ khác không liên quan đến sao từ.

"Chúng tôi ngay lập tức nhận ra đây là một dấu hiệu đặc biệt," Sandro Mereghetti, một nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia Italia và là tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết. "Các vụ nổ tia gamma đến từ rất xa và từ bất kỳ nơi nào trên bầu trời, nhưng vụ bùng nổ này đến từ một thiên hà sáng khá gần."

Các quan sát tiếp theo về vụ bùng nổ bằng các kính thiên văn cả mặt đất và không gian trong vài giờ sau đó đã xác định được rằng vị trí của nó là ở trong M82. Thay vì ánh sáng tàn dư và sóng hấp dẫn mà người ta trông đợi từ một vụ nổ tia gamma thông thường, các nhà thiên văn học chỉ thấy khí nóng và các ngôi sao, điều này đã xác nhận rằng vụ phun trào đến từ một sao từ.

Cơn địa chấn của sao, được gây ra khi từ trường mạnh mẽ của sao từ gây ảnh hưởng tới sự tự quay của ngôi sao và làm rối loạn các lớp bên ngoài của nó, đã làm nứt bề mặt của ngôi sao và phát ra tia gamma năng lượng cao khắp vũ trụ. Theo các nhà nghiên cứu, quá trình đó giải thích cho vụ phun trào vừa được phát hiện.

"Nếu các quan sát đã được thực hiện chỉ cần muộn hơn một ngày, chúng tôi sẽ không có bằng chứng mạnh mẽ rằng đây thực sự là một sao từ chứ không phải chỉ là một vụ nổ tia gamma," Jan-Uwe Ness, nhà khoa học ở dự án Integral của ESA cho biết.

Phát hiện mới này bổ sung vào ba sao từ đã được tìm thấy trong thiên hà của chúng ta. Trong số đó, có một sao từ đáng chú ý được phát hiện vào năm 2004, mặc dù nằm ở nửa kia của thiên hà, nhưng nó cũng đủ gần để bức xạ của nó lướt qua hành tinh của chúng ta và khiến một số tàu không gian bị ngắt liên lạc tạm thời. Tuy nhiên, sao từ mới được phát hiện này quá xa để có khả năng ảnh hưởng đến Trái Đất.

R.T
Theo Livescience

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ bùng nổ dữ dội từ cách xa 12 triệu năm ánh sáng hé lộ về loại sao hiếm gặp trong Milky Way