"Hầu hết mọi người có xu hướng thích làm những công việc mà họ giỏi. Do đó, nếu nhân viên trong công ty của bạn có những kỹ năng tốt hơn ở các bộ phận khác, bạn có thể thay đổi bộ phận làm việc của họ và cần truyền đạt lý do của việc thay đổi này là cần thiết. Đồng thời trấn an họ công việc cũ của họ vẫn mang lại giá trị và nó vẫn ở đó đợi họ đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ mới này", bà Labbe nói.
Bên cạnh đó, bà Labbe cũng đề xuất một điều chỉnh đơn giản hơn để tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên là công ty nên cung cấp lộ trình nghề nghiệp cho nhân sự. Việc trò chuyện với người quản lý hoặc bộ phận nhân sự về các cơ hội thăng tiến sẽ giúp nhân viên nhìn thấy bản thân được lợi như thế nào khi gắn bó với công ty.
Trang CNBC Make It nhận định trong trường hợp công ty không cố gắng cải thiện sự gắn kết hoặc hỗ trợ nghề nghiệp lâu dài, nhân viên có thể cân nhắc các lựa chọn của mình "một cách lặng lẽ"; tuy nhiên, không nên hấp tấp và ầm ĩ.
Đối với những nhân viên có ý định nghỉ việc, bà Labbe đề xuất "hình mẫu" nghỉ việc hiệu quả là "những nhân viên boomerang" hoặc những nhân viên trở lại công ty cũ sau một thời gian làm việc ở nơi khác. Những nhân viên này khi rời khỏi nơi làm việc đều không gây bất hòa với công ty cũ.
"Để đạt được mục tiêu nghỉ việc hiệu quả, các nhân viên đừng làm sếp ngạc nhiên, hãy giữ thái độ tích cực trong buổi phỏng vấn thôi việc và tạo một kế hoạch chuyển tiếp để bản thân giảm thiểu gánh nặng cho đồng nghiệp", bà Labbe nói.
Theo bà Labbe, việc để lại ấn tượng tích cực khi nghỉ việc sẽ giúp tương lai trở về công ty cũ của nhân viên trở nên rộng mở hơn nếu chẳng may họ không thể thích ứng với môi trường ở cơ quan mới.