Kháng virus tự nhiên
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM khuyến cáo, người dân không nên mua xuyên tâm liên để phòng bệnh Covid-19. TS Lan lý giải, thảo dược trong y học cổ truyền có nhược điểm là tác dụng chậm so với thuốc kháng sinh. Thuốc tây y có thể diệt vi khuẩn. Song, chúng không diệt được siêu vi. Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ diệt siêu vi. Do đó, thảo dược này đã được đưa vào phác đồ điều trị Covid-19.
"Tuy nhiên, cũng không nên xem xuyên tâm liên là thần dược. Nó vẫn chỉ là một loại thuốc hỗ trợ để làm giảm tải lượng virus, kháng virus. Xuyên tâm liên giống như một loại kháng virus tự nhiên, mà thảo dược kháng virus tự nhiên thì ngoài xuyên tâm liên còn có tỏi, diệp hạ châu, kim ngân hoa…", TS Lan cho biết.

Không hiệu quả?
Theo Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), cách để đánh giá hiệu quả của một loại thuốc hay vắc-xin là thử nghiệm lâm sàng.
Giáo sư Tuấn cho biết, có một nghiên cứu đạt tiêu chuẩn công trình thử nghiệm lâm sàng ở Thái Lan chưa công bố. Cụ thể, nghiên cứu có 2 nhóm bệnh nhân: nhóm được điều trị bằng xuyên tâm liên (29 người) và nhóm chứng (28 người). Sau 5 ngày, nhóm xuyên tâm liên có 10 người (35%) bị nhiễm. Trong khi đó, nhóm chứng có 16 người (57%) bị nhiễm.
Song, theo chuyên gia này, kết quả nghiên cứu chưa thuyết phục. Bởi, nghiên cứu có số cỡ mẫu rất nhỏ. Do đó, độ nhạy không cao. Ngoài ra, mục tiêu của điều trị là giảm thời gian nằm viện, giảm mức độ nặng của bệnh và cứu người. Tuy nhiên, báo cáo này liên quan đến lây nhiễm Covid-19, không có thời gian nằm viện hay đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một yếu tố khác là thời gian theo dõi quá ngắn. Thời gian đó chưa đủ để đánh giá hiệu quả điều trị.
"Theo tôi, kết quả nghiên cứu trên cho thấy xuyên tâm liên không có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu xuyên tâm liên được sử dụng với vai trò bổ trợ cho các thuốc khác (như Dexa, Remdesivir, Tocilizumab,...), cần phải có phác đồ điều trị cụ thể và mô hình kinh tế - y tế", chuyên gia nhận định.