Vùng ba áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ "vùng một".
Theo lãnh đạo Hà Nội, mục tiêu của phân vùng để siết chặt vùng một; kiểm soát luồng ra khỏi vùng 1 sang vùng hai và vùng ba.
Thành phố xác định giảm tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại vùng 2, vùng 3.
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư 3.409 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số ca mắc là các trường hợp đã được cách ly 1.850 ca.
Sự khác biệt giữa các Chỉ thị 15, 16 và 19
Chỉ thị 15 yêu cầu không tập trung quá 10 người nơi công cộng; 20 người một phòng; giữ khoảng cách 2 m. Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động; dừng hoạt động giải trí, thể thao, lễ hội, tín ngưỡng; khách sạn, quán ăn; khu di tích, danh lam thắng cảnh. Phương tiện vận tải công cộng bị hạn chế; phương tiện cá nhân được hoạt động.
Chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá hai người nơi công cộng; giữ khoảng cách 2 m; cán bộ, công chức nhà nước làm việc tại nhà. Toàn bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động. Các dịch vụ thiết yếu được hoạt động gồm: ngân hàng, cửa hàng lương thực thực phẩm, điện nước, dược phẩm, xăng dầu. Phương tiện vận tải công động dừng hoạt động; phương tiện cá nhân bị hạn chế.