112,1 bé trai chào đời mới có 100 bé gái

PV | 28/10/2021, 14:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điều tra sơ bộ năm 2020, tỷ lệ mất cân bằng giới tính tiếp tục tăng, cứ 112,1 trẻ sơ sinh nam có 100 trẻ gái, "mức nghiêm trọng", theo dự thảo Tờ trình về Dự án Luật Dân số của Bộ Y tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức cao, hầu như không thay đổi giai đoạn 2009-2019. Năm 2019, con số này khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong khi đó, tỷ số thông thường ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái.

Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch giới tính cao nhất, khoảng 115,5; tiếp đó là Trung du miền núi phía Bắc 114,2 và Đông nam bộ là 111. Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chênh lệch ít nhất nước là 106,9.

Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021, công bố chiều 26/10, cũng cho thấy các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở miền Bắc, gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La... Để đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ là "thách thức rất lớn", báo cáo đánh giá.

Dự tính năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ, do chênh lệch giới tính khi sinh. Ảnh: Lê Phương

Dự tính năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ, do chênh lệch giới tính khi sinh. Ảnh: Lê Phương

Tư vấn trực tuyến Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên VnExpress mới đây, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với một số nước châu Á.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số, trong giai đoạn 1979-1999, Việt Nam chưa xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề này thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 và các năm gần đây luôn ở ngưỡng trên 111, tăng giảm không ổn định. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ ba trở lên.

Theo ông Hoàng, có ba nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó nguyên nhân cơ bản do Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống với tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị quan trọng của tư tưởng này là việc có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.

Nguyên nhân phụ trợ do hiện nay quy mô gia đình nhỏ ngày càng trở nên phổ biển, mỗi cặp vợ chồng thường sinh 1-2 con nhưng mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả hai nhu cầu trên. Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, tỷ lệ có lương hưu đặc biệt ở nông thôn khi về già là rất thấp nên cần sự chăm sóc của con cái, theo quan niệm truyền thống thuộc về người con trai trong gia đình.

Nguyên nhân trực tiếp là việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai để chẩn đoán giới tính.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA, cho biết theo báo cáo Dân số thế giới năm 2020, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái không được sinh. Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa con số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm. Nguyên nhân là do những định kiến giới, tâm lý yêu thích con trai hơn con gái, nhiều gia đình chọn sinh con trai thay vì con gái. Vì vậy, rất nhiều trẻ em gái đã không được sinh ra.

Các chuyên gia đánh giá việc mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài tác động lớn đến cơ cấu dân số, dư thừa nam giới như hiện nay và những năm tới. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, ước tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Trong dự thảo mới này, Bộ Y tế đưa ra một số giải pháp đề xuất để giải quyết gồm: Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới; Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của từng cá nhân và cộng đồng về không lựa chọn giới tính thai nhi; Đưa các nội dung về xóa bỏ phân biệt, định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hoặc con trai và các nội dung liên quan vào hương ước, quy ước; chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngoài ra đề xuất lồng ghép việc hỗ trợ nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Chính sách khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong dự thảo Đề cương Luật Dân số đặt ramục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Bài liên quan
Sex Education: Phim giáo dục giới tính ăn khách trên Netflix
Sex Education - phim giáo dục giới tính dành cho thế hệ mới, tình dục được đề cập trực diện đến mức sống sượng nhưng là cách đối thoại hiệu quả với giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
112,1 bé trai chào đời mới có 100 bé gái