Cha mẹ dễ dãi rất ít đưa ra yêu cầu với con. Những cha mẹ này hiếm khi kỷ luật con vì họ có kỳ vọng tương đối thấp về sự trưởng thành và tự chủ. Theo Baumrind, những cha mẹ dễ dãi thường cư xử như một người bạn của con hơn là phụ huynh.
Không quan tâm con
Ngoài 3 kiểu nuôi dạy trên, các nhà tâm lý học Eleanor Maccoby và John Martin đã nêu ra phong cách thứ tư. Đó là không quan tâm con. Phong cách nuôi dạy không quan tâm con có đặc điểm là ít đòi hỏi, khả năng đáp ứng thấp và rất ít giao tiếp.
Trong khi những cha mẹ này đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đứa trẻ, họ thường tách rời khỏi cuộc sống của con. Họ có thể đảm bảo rằng, con được cho ăn và có chỗ ở, nhưng không cung cấp hướng dẫn, quy tắc hoặc hỗ trợ. Trong những trường hợp cực đoan, kiểu cha mẹ này thậm chí có thể từ chối hoặc bỏ mặc nhu cầu của con.
Tác động từ phong cách nuôi dạy con
Những phong cách nuôi dạy con này có ảnh hưởng gì đến kết quả phát triển của trẻ? Ngoài nghiên cứu ban đầu của Baumrind, các nhà khoa học đã tìm hiểu về tác động của phong cách nuôi dạy con. Trong đó, cha mẹ độc đoán thường nuôi dạy những trẻ ngoan. Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc, năng lực xã hội và lòng tự trọng của trẻ thấp hơn thông thường.
Phong cách nuôi dạy con có thẩm quyền sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, có năng lực và thành công. Trái lại, việc nuôi dạy con dễ dãi thường dẫn đến những đứa trẻ có thứ hạng thấp về mức độ hạnh phúc và khả năng tự điều chỉnh. Những đứa trẻ này có nhiều khả năng gặp vấn đề với quyền hạn và có xu hướng học kém ở trường. Kiểu cha mẹ không quan tâm đến con thường khiến trẻ thiếu tự chủ, có lòng tự trọng thấp và kém năng lực hơn các bạn cùng lứa.
Ưu điểm của việc nuôi dạy con có thẩm quyền
Trẻ có nhiều khả năng tuân theo yêu cầu của cha mẹ, khi phụ huynh là người có thẩm quyền. Ngoài ra, kiểu cha mẹ này thường đặt ra các quy tắc và giải thích về điều đó. Từ đó, giúp trẻ có nhiều khả năng tiếp thu kiến thức.
Thay vì chỉ đơn giản tuân theo các quy tắc vì sợ bị trừng phạt, trẻ có thể hiểu tại sao luật lệ tồn tại. Đồng thời, hiểu và cố gắng tuân theo các quy tắc này. Nhờ đó, nhận thức rõ điều gì là đúng và sai.
Phong cách nuôi dạy con của cha mẹ cũng có thể kết hợp để tạo nên sự pha trộn độc đáo trong mỗi gia đình. Ví dụ, người mẹ có thể sở hữu phong cách độc đoán. Trong khi đó, người cha ủng hộ cách tiếp cận dễ dàng hơn. Để tạo ra một cách tiếp cận gắn kết trong việc nuôi dạy con, điều cần thiết là cha mẹ phải học cách hợp tác.
Có bằng chứng cho thấy phong cách nuôi dạy con cụ thể có liên quan đến một kiểu hành vi nhất định. Song, các yếu tố như tính cách của trẻ hay văn hoá cũng có thể đóng vai trò quan trọng.