Là một trong những nước mua ngũ cốc hàng đầu thế giới, Ai Cập đã nhập khẩu 62,6 triệu tấn từ năm 2017 đến năm 2021, với 60% đến từ Nga và 22% từ Ukraine, theo Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Tuần trước, Bloomberg đưa tin Ai Cập đã lên kế hoạch mua gần 500.000 tấn lúa mì từ Pháp và Bulgaria sau khi thỏa thuận với Moskva bị Chính phủ Nga ngăn chặn do bất đồng về giá cả.
Đây là lần thứ hai trong những tháng gần đây việc mua lúa mì Nga của Tổng cục Cung ứng Hàng hóa (GASC), cơ quan thu mua ngũ cốc nhà nước của Ai Cập, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Moskva cố gắng áp đặt mức giá sàn không chính thức cho sản phẩm bội thu của họ.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái, thị trường lúa mì toàn cầu đã bị gián đoạn, việc chuyển sang mua trực tiếp thay vì đấu thầu đã giúp Ai Cập đàm phán được mức giá tốt hơn.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra biến động giá cả và làm thay đổi mô hình thương mại toàn cầu. FAS cho biết nhập khẩu lúa mì của Ai Cập từ Ukraine vào năm 2022 đã giảm 73%.
Xung đột đã buộc Ai Cập phải mở rộng số lượng nhà cung cấp lúa mì. Đầu năm nay, GASC đã mua 500.000 tấn lúa mì từ Ấn Độ và tháng trước, Chính phủ Ai Cập đã ký một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với một công ty tư nhân, Al Dhara, từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, cũng như Văn phòng Xuất khẩu Abu Dhabi, để cung cấp lúa mì trong 5 năm.
Trong khi tìm cách duy trì thái độ trung lập liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ai Cập vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moskva. Ai Cập đồng thời là đối tác quân sự thân cận của Mỹ, nước cung cấp cho Cairo viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Theo các phương tiện truyền thông, Cairo đã từ chối lời kêu gọi cung cấp viện trợ quân sự cho Nga hoặc Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.