Bị chê thất thế khi thủ khoa ĐH toàn từ "trường làng", giáo viên và học sinh trường chuyên lên tiếng: "Có nhiều cách để định nghĩa người giỏi"

Đông, | 26/07/2023, 09:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học "trường chuyên, lớp chọn" hiện nay đã thực sự thất thế?

Theo thống kê từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, thủ khoa năm nay chứng kiến sự "áp đảo" đến từ các bạn học sinh trường không chuyên. Theo đó, thủ khoa toàn quốc năm nay là em Vũ Thị Vân Anh học tại một trường "làng" (trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ngoài ra, trong số 7 thủ khoa các khối A, A1, B, C, D năm nay, có tới 6 thí sinh đến từ các trường không chuyên, 1 thí sinh duy nhất học trường THPT chuyên.

Việc các thí sinh từ các trường không chuyên chiếm vị trí lớn trong danh sách thủ khoa năm nay đã làm dấy lên một cuộc tranh luận: Học sinh trường chuyên học hành kiểu gì mà thua cả học sinh trường "làng" ít tên tuổi?

Trước quan điểm này, giáo viên và học sinh trường chuyên nghĩ gì, phải chăng "trường chuyên, lớp chọn" đang dần thất thế hiện nay?

Giáo viên, học sinh trường chuyên nghĩ gì?

Ngô Hương Giang (cựu học sinh trường THPT chuyên Sơn La) bày tỏ mỗi người sẽ có một mục tiêu khác nhau, trở thành thủ khoa hay đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ là một trong số những mục tiêu đó thôi. Thật ra, có rất nhiều cách để định nghĩa từ "giỏi", nói đâu xa theo lý thuyết của Howard - nhà tâm lý học nổi tiếng đến từ Harvard, có đến 8 loại trí thông minh khác nhau: Ngôn ngữ, Âm nhạc, Logic, Không gian, Nội tâm... Vậy nên, không thể lấy học tập ra để làm mẫu số chung đánh giá "trường chuyên, lớp chọn", rồi coi trường chuyên là thất thế.

Bị chê thất thế khi thủ khoa ĐH toàn từ trường làng, giáo viên và học sinh trường chuyên lên tiếng: Có nhiều cách để định nghĩa người giỏi - Ảnh 1.

Hương Giang cho rằng có nhiều cách để đánh giá một người giỏi.

Tương tự, B.M.P - học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có mục tiêu du học từ năm lớp 10. Để hiện thực hóa giấc mơ của bản thân, song song với việc học tập tốt trên trường để giữ mức GPA trên 9.0, nữ sinh còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tổ chức các chương trình hay tham gia các cuộc thi quốc tế để làm đẹp hồ sơ du học của mình.

Với ngần ấy nỗ lực, chưa kết thúc lớp 12, nữ sinh đã nhận được học bổng du học của nhiều trường đại học: "Chúng ta không thể đánh giá một chiều rằng học trường chuyên phải thế này thế kia. Ngay kể cả thầy cô cũng luôn khuyến khích chúng mình phát triển bản thân theo hướng toàn diện. Những kinh nghiệm, kỹ năng mình tích lũy được trong suốt quá trình học tập tại chuyên Ams đơn giản sẽ là hành trang vững chắc để mình phát triển bản thân hơn nữa trong tương lai thôi".

Đồng quan điểm, Thế Phương - cựu học sinh trường THPT chuyên Yên Bái (Yên Bái) nói: "Mình thấy quan điểm này không đúng bởi các bạn học sinh hiện nay, không chỉ là học sinh trường chuyên có rất nhiều con đường để lựa chọn. Như bản thân mình hồi cấp 3, đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học nên đã có thể trúng tuyển vào hầu hết các trường Y bằng hình thức xét tuyển thẳng. Do đó, mình đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế thoải mái hơn so với đa số bạn bè đồng trang lứa".

Bị chê thất thế khi thủ khoa ĐH toàn từ trường làng, giáo viên và học sinh trường chuyên lên tiếng: Có nhiều cách để định nghĩa người giỏi - Ảnh 2.

Thế Phương cho rằng các bạn học sinh hiện nay có nhiều con đường để lựa chọn.

Về phần mình, các thầy cô trường chuyên cũng có những suy nghĩ riêng trước vấn đề trên. Thầy Lê Đức Thịnh - giáo viên trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) chia sẻ: "Quan điểm này cũng tùy thuộc vào đánh giá của mỗi người. Cũng phải nói rõ là hiện nay rất nhiều trường có phương án xét tuyển thẳng theo học bạ trường chuyên hay theo IELTS. Các lớp ở trường chuyên tôi dạy số lượng học trò được tuyển thẳng rất nhiều. Những lớp như chuyên Toán, Tin, Lý... phải khoảng tầm 25/35 em đã được tuyển thẳng. Miễn là các em thi tốt nghiệp tương đối, thậm chí là chỉ cần không trượt tốt nghiệp là được.

Do đó, mục tiêu và động lực của các em có khác. Tất nhiên là mình không phủ nhận sự cố gắng của các em trường không chuyên nhưng nói rõ vậy để mọi người có cái nhìn và đánh giá 2 chiều".

Bị chê thất thế khi thủ khoa ĐH toàn từ trường làng, giáo viên và học sinh trường chuyên lên tiếng: Có nhiều cách để định nghĩa người giỏi - Ảnh 3.

Thầy Lê Đức Thịnh

Tương tự, cô Thu Trang - giáo viên trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) bày tỏ: "Tôi nghĩ, mục tiêu của mỗi học sinh là khác nhau. Nhiều học sinh tôi dạy đã biết mình đỗ đại học hay giành học bổng du học ở các nước tiên tiến như: Mỹ, Úc, Canada, Singapore... từ năm lớp 11. Thời gian còn lại, các bạn sẽ dành thời gian để phát triển thêm nhiều khía cạnh khác của bản thân như bạn nào đã giỏi tiếng Anh rồi có thể học thêm tiếng Hàn, Trung, Pháp... để 'làm đẹp' CV.

Nói đến vấn đề này thì vô cùng lắm, quan trọng là mục tiêu của mỗi học sinh, các bạn muốn trở thành ai, đóng góp điều gì cho xã hội và thành công ở lĩnh vực nào thì các bạn sẽ bồi tụ và chuẩn bị hành trang cho mình bước vào tương lai".

Bài liên quan
Thủ khoa, á khoa khối B TPHCM chung ước mơ trở thành bác sĩ
Có học sinh là thủ khoa khối A toàn quốc; thủ khoa, á khoa khối B TPHCM là thành tích của trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông (quận Tân Phú).

(4) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị chê thất thế khi thủ khoa ĐH toàn từ "trường làng", giáo viên và học sinh trường chuyên lên tiếng: "Có nhiều cách để định nghĩa người giỏi"