(GDTĐ) - Sách là nguồn tri thức vô giá mà cha mẹ cần trang bị cho con. Sách giúp làm phong phú khả năng ngôn ngữ, sức sáng tạo, vun đắp cho các bé sự thông minh về trí tuệ và cảm xúc.
Đọc cho trẻ nghe từ khi còn rất nhỏ
Những cuốn sách in trên bìa cứng hoặc in trên vải là thứ đồ chơi đầu tiên mà trẻ nên có. Tạo một thói quen vào mỗi tối để bạn và con hình thành tình yêu với sách. Bất cứ lúc nào bạn hoặc con cần giải lao thì hãy lấy một quyển sách và đọc cho con nghe. Sau một cơn thịnh nộ, trong giờ ăn trưa, sau khi ở trường về, trong lúc uống cà phê, bất cứ lúc nào cũng có thể là giờ đọc sách...
Thường xuyên đưa con tới thư viện
Thói quen đọc sách nên được hình thành ngay từ khi còn nhỏ. Bạn có thể cùng con tới thư viện và để trẻ khám phá kho tàng tri thức quý báu đó. Nếu có thể, bạn hãy để trẻ tìm kiếm cuốn sách mà trẻ yêu thích, sau đó mượn cuốn sách đó cho trẻ. Các chuyên gia cho biết rằng, việc nhìn thấy người khác say sưa đọc sách sẽ tác động tới tâm lý và giúp trẻ tăng thêm phần hứng thú với sách.
Hãy chơi với sách như người bạn thân
Bố mẹ có thể chơi xếp hình bằng sách cùng trẻ hàng ngày. Chúng có thể chơi với những quyển sách cả buổi mà vẫn say sưa. Bạn có thể nói chúng sẽ làm hỏng những quyển sách? Không hề gì, bởi cho đến khi chúng có thể phá hỏng một quyển sách thì chúng đã làm bạn với sách từ lâu rồi. Mà giả sử nếu chúng có làm hỏng thật thì bạn có sẵn sàng tặng thêm 10 đến 20 quyển sách để hình thành cho bé thói quen tốt này.
Lập một thư viện tại nhà
Nếu bạn làm việc khi con bạn lên 2 tuổi thì chắc chắn con bạn sẽ thích đọc sách hơn bất cứ hoạt động gì khác. Trẻ con thường thích sách bìa cứng, có nhiều màu sắc, hình ảnh. Hãy dẫn chúng đi nhà sách và cho chúng tự chọn lựa những quyển sách mà chúng thích.
Giúp các bé tìm ra câu trả lời từ những quyển sách
Các bé có rất nhiều câu hỏi. Những lúc như thế, bạn hãy giúp trẻ tìm ra câu trả lời đồng thời phân tích cho bé hiểu chỉ có những quyển sách mới có thể giúp bé trả lời được tất cả những điều thắc mắc, khó hiểu. Dần dần như thế, con sẽ có niềm đam mê và hiếu kỳ với những quyển sách đấy.
Cha mẹ hãy thường xuyên đọc sách
Trở thành tấm gương yêu thích sách là một trong cách tốt nhất trong việc dạy trẻ đọc sách. Chúng sẽ tự tìm hiểu cha mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú như vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi thú vị và hỏi con có muốn chơi cùng không.
Quà tặng là sách, truyện
Đừng quên ý tưởng tặng sách như là món quà, phần thưởng trong các dịp sinh nhật, hoặc trong các dịp lễ. Bạn dễ tìm được nhiều tựa sách hay với giá thành vừa phải để lựa chọn làm quà tặng cho trẻ. Và những gì bạn dùng để tặng hay được nhận như món quà thường trở nên quý giá và ý nghĩa hơn. Bởi ý nghĩa món quà gắn liền với tình cảm của cả người tặng và người nhận.
Gặp gỡ tác giả
Hãy đưa trẻ đến các sự kiện gặp gỡ và giao lưu với các tác giả của trẻ em tại thư viện và hiệu sách. Đây là một sự khích lệ đọc tuyệt vời.
Thưởng cho việc đọc sách
Hãy thưởng cho trẻ nếu chúng đọc. Ví dụ, nếu trẻ đọc 30 phút mỗi ngày trong một tuần sẽ thưởng cho trẻ những món quà nhỏ chúng thích. Điều này càng khuyến khích trẻ duy trì thói quen đọc.
Đọc những gì trẻ thích
Hãy để trẻ thích đọc sách và muốn đọc mỗi ngày và tận hưởng những gì chúng đang đọc. Một số trẻ có thể thích những câu chuyện đời thực trong khi những đứa trẻ khác thích chuyện ảo mộng. Trên thực tế, việc phát triển sở thích đọc các loại sách cụ thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang trưởng thành như một người đọc. Vì vậy, bất cứ ấn phẩm nào làm trẻ hứng thú, hãy để trẻ đọc.
Viết mỗi ngày
Hãy động viên trẻ viết nhật ký. Đây là hình thức trẻ ghi lại những cảm xúc, những điều học hỏi được. Ngoài ra nên động viên trẻ viết thư cho người thân trong gia đình hay bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ rất thích nhận thư và sẽ vui biết chừng nào khi thấy tên mình hiện lên trên phong bì.
Lập nhóm đọc sách
Cha mẹ hãy cùng con lập một nhóm cùng đọc sách. Có thể đọc chung một quyển hoặc mỗi người một quyển. Có thể sáng tạo các hình thức đọc khác nhau như chia đoạn để đọc, phân vai để đọc, đọc xong thì kể lại nội dung cho người khác… Nhóm đọc sẽ vừa là bạn vừa cùng chung mục tiêu đọc sẽ giúp trẻ hứng thú, vui vẻ hơn với việc đọc. Nhóm đọc có thể trực tiếp giao lưu đọc tại một thư viện hoặc một không gian đọc. Hoặc nhóm đọc cũng có thể giao lưu trực tuyến qua điện thoại vào một khung giờ nhất định. Việc cùng nhau đọc sẽ giúp nhóm trẻ duy trì thói quen đọc, chia sẻ niềm vui khi đọc và lập thời gian biểu cụ thể cho việc đọc.
Hướng đến việc đọc chuyên sâu
Hiện nay, không khó để tìm hiểu các kiến thức khoa học về việc đọc và giải pháp nâng cao hiệu quả của việc đọc. Hãy từng bước hướng dẫn trẻ tìm hiểu kiến thức và thực hành việc đọc một cách thường xuyên theo từng cấp độ đọc. Cùng với thời gian, kỹ năng đọc chuyên sâu của trẻ sẽ tăng lên, giúp ích và bổ trợ rất nhiều cho các kỹ năng xã hội khác của trẻ.
Đừng thúc giục trẻ đọc sách
Trẻ sẽ đọc một cách tự nhiên khi có những kỹ năng cơ bản. Mục tiêu của bạn không phải là giúp trẻ đọc thành lời từng từ mà là khuyến khích trẻ thiết lập tình yêu đối với sách, kể cả truyện tranh và tiểu thuyết. Nếu bạn thúc ép quá nhiều, trẻ sẽ cảm thấy bị đẩy vào một việc gì đó và sẽ mất dần đi sự hứng thú. Cảm giác đó sẽ đi theo con suốt cuộc đời và trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy thích thú với việc đọc nữa. Một số trẻ thông minh không thích đọc cho đến khi chúng 7 tuổi. Đừng lo, trẻ sẽ nhanh chóng bắt kịp chừng nào chúng học được cách yêu thích việc đọc sách.
Điều cơ bản của việc đọc là đọc như một niềm vui được bồi đắp mỗi ngày. Từ niềm vui đó sẽ khơi dậy sự ham đọc, ham học của trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ cho đến khi trưởng thành. Kiến thức thu được từ việc đọc không chỉ giúp trẻ học tập mà còn giúp trẻ hình thành tư duy, tính cách và xây dựng nếp sống lành mạnh. Đây là giá trị quý mà việc đọc mang lại cho mỗi người.