(GDTĐ) - Sách giúp người đọc khơi gợi tư duy, sự sáng tạo và góp phần hình thành giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống. Muốn đọc sách được hữu ích và hiệu quả, cần có phương pháp đọc tối ưu nhất để tiếp nhận kiến thức.
Các cách đọc sách
Cách đọc sách giúp chủ thể đạt được mục đích tiếp nhận nội dung kiến thức. Tuỳ thuộc vào mục đích đọc và loại tài liệu mà áp dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau.
Dưới đây là khái quát các cách đọc sách thường thấy:
Đọc lướt bao gồm đọc lướt toàn bộ và đọc lướt có hệ thống.
Đọc lướt toàn bộ: Mục đích là để bước đầu nắm được nội dung tài liệu, nhằm đánh giá sơ bộ và xác định mức độ phù hợp của tài liệu với nhu cầu tiếp nhận, từ đó quyết định sẽ chuyển sang bước tiếp theo hay bỏ qua tài liệu.
Cách đọc lướt đó là đọc hết tài liệu, không dừng lại khi đọc và không đọc thụt lùi kể cả khi người đọc thấy có những chi tiết khó hiểu. Đọc lướt yêu cầu tốc độ đọc nhanh, thời gian đọc ngắn, không nên cố gắng hiểu tất cả các từ, trang hay toàn bộ tài liệu. Cách đọc này phục vụ nhu cầu đánh giá sơ bộ nội dung và xác định mức độ phù hợp của tài liệu với nhu cầu tiếp nhận để quyết định sẽ đọc chi tiết hay bỏ qua tài liệu.
Đọc lướt có hệ thống: Nhằm nắm được hình thức và cấu trúc của tài liệu.
Cách đọc này được diễn ra theo trình tự là xem trang đầu và phần giới thiệu, mục lục, tóm tắt của tài liệu, đọc các đề mục chính và phụ trong bài để tạo một mối liên hệ chung giữa toàn bộ các khái niệm quan trọng. Đồng thời nắm được các từ khoá mô tả phạm vi giới hạn và trọng tâm của tài liệu, đọc những câu tóm lược trong phần mở đầu và kết thúc chương/ phần để nắm được luận điểm chính của tài liệu. Hoặc đọc ngẫu nhiên một vài đoạn hoặc một vài trang đặc biệt là lời kết để nắm qua nội dung của tài liệu.
Đọc phân tích: Sau khi đọc lướt tài liệu, nếu người đọc xác định cần đọc chi tiết thì sẽ vận dụng cách đọc phân tích. Mục đích đọc phân tích nhằm làm sáng tỏ nội dung tài liệu, gồm các bước: Phân loại tài liệu đọc theo thể loại và chủ đề; Tóm tắt nội dung tài liệu; Phác thảo dàn ý (lập đề cương) cho từng phần chính và toàn bộ nội dung. Diễn giải lại được các vấn đề chính mà nội dung tài liệu đề cập; Trả lời được các câu hỏi và tìm ra hướng giải quyết vấn đề của tác giả.
Đọc phân tích đòi hỏi tốc độ đọc chậm, thời gian đọc lâu hơn đọc lướt. Trình tự đọc tùy thuộc vào mức độ hiểu của người đọc và có ghi chép, sử dụng ký kiệu để đánh dấu những phản ứng, suy nghĩ trong quá trình đọc.
Đọc hiểu sâu: Sau khi đọc phân tích mới tiến hành đọc hiểu sâu. Trình tự đọc phụ thuộc vào người đọc. Yêu cầu của đọc hiểu sâu là: Đọc có ghi chép dưới dạng phân tích, tổng hợp, đánh giá. Đọc có phê bình (phản đối hay đồng tình với lập luận của tác giả), có tái hiện lại những tri thức cũ khi đọc
Hệ thống hóa lại các tri thức
Ngoài các phương pháp đọc lượt, đọc phân tích, đọc sâu ở trên, người đọc cần đọc thêm nhiều tài liệu khác có cùng chủ đề để so sánh, đối chiếu, hiểu sâu hơn các khía cạnh của vấn đề đang đọc.
Tự đặt ra các câu hỏi và tìm ra hướng giải quyết vấn đề bằng cách ứng dụng tri thức mới đọc được.
Trích lược và rút thông tin cần thiết để tái cấu trúc và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ riêng của bản thân.
Bên cạnh đó cần diễn giải, thuyết phục và truyền đạt kiến thức tiếp thu được cho người khác hiểu. Có thể đề xuất những tri thức, ý tưởng mới từ kiến thức đã đọc được.
Phương pháp đọc hiệu quả
Đọc nhiều không có nghĩa là đọc hiệu quả. Đọc là một quá trình khám phá độc lập. Khi đọc phải tập trung cao độ, sắc sảo trong quan sát, luôn sử dụng trí nhớ, trí tưởng tượng và rèn luyện trí tuệ để phân tích và phản ánh.
Muốn đọc hiệu quả phải ghi chép, suy nghĩ và đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi trong quá trình đọc.
Bên cạnh đó cần biết cách áp dụng các phương pháp đọc khác nhau cho các hình thức, thể loại, nội dung tài liệu khác nhau. Đọc sách văn học khác đọc sách khoa học, đọc sách lý thuyết khác với đọc sách hướng dẫn thực hành…
Lưu ý: Người đọc không được áp dụng một tốc độ đọc duy nhất cho mọi quyển sách mà cần vận dụng tốc độ đọc phù hợp. Bởi vì đọc bằng trí óc chứ không phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của đôi mắt.
Đọc những tài liệu khó cần phải chuẩn bị trước kiến thức nền để có thể hiểu sâu sắc những vấn đề được trình bày.
Các kỹ năng cần có khi đọc sách
Đầu tiên là khả năng chọn sách phù hợp với sở thích và nhu cầu của bản thân. Có khả năng đọc - hiểu nội dung của sách, đưa ra nhận định và suy luận về nội dung.
Nắm được cấu trúc và các kiến thức, thông tin từ sách để có thể tìm kiếm và sử dụng lại trong tương lai. Qua đó, phân tích được các ý chính trong sách và xác định các thông tin quan trọng, đặc biệt là tổng hợp các kiến thức trong sách để tạo ra một bức tranh tổng thể về nội dung.
Có khả năng đánh giá chất lượng của sách và xác định nội dung có liên quan đến mục đích của bản thân hay không. Đồng thời, biết áp dụng các kiến thức được học từ sách vào thực tiễn, phát triển kỹ năng và tư duy của bản thân.
Để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất đọc, người đọc cần biết ứng dụng các phương pháp đọc của thời đại như đọc trên các nền tảng điện tử (như kindle, iPad, hoặc laptop...) và sử dụng các tính năng hiện đại để tối ưu hóa quá trình đọc.
Như vậy, dù đọc để giải trí hoặc lấy thông tin, đọc để có thêm hiểu biết xã hội, hay đọc để tìm hiểu thông tin chuyên sâu... thì người đọc cần đảm bảo quá trình tiếp cận kiến thức từ thấp đến cao, đọc từ tài liệu nằm trong khả năng, tiến dần đến tài liệu/ sách vượt khả năng. Cách đọc tịnh tiến này cũng như cách học các kiến thức cơ bản, giúp người đọc động não nhiều hơn, học được nhiều điều hơn.
Nắm được các cách đọc sách và vận dụng phương pháp đọc phù hợp, sách sẽ mang lại nhiều kiến thức cho người đọc, đồng thời sách cũng mở rộng thêm cánh cửa tri thức tới người đọc và biết đọc.
(Còn tiếp)