"Bộ cốt hổ” trong đình cổ Bình Thủy

Trần Hoà | 06/02/2022, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đình cổ Bình Thủy - một danh tích nổi tiếng ở Cần Thơ không chỉ ẩn chứa những bí mật về chuyện hổ giúp người, mà còn thu hút du khách về bộ xương cốt của thần hổ.

Theo các cao niên, lần xây dựng năm 1909 đình Bình Thủy có thêm 2 ngôi miếu thờ Thần Nông và Thần Hổ. Trong tất cả những lần xây dựng, bộ cốt Thần Hổ vẫn luôn được lưu giữ thờ phụng trong đình.

Bởi vậy, người dân cho rằng đình Bình Thủy được nâng cấp từ ngôi miếu cổ Long Tuyền thờ Thần Hổ. Từ năm 1844, ngôi miếu đã có sẵn nên được gọi là cổ miếu. Có nghĩa là ngôi miếu tồn tại từ rất lâu, trước khi có ghi chép vào năm 1844.

Giai thoại địa phương kể rằng, ngày xưa ở vùng này có con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình, chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên.

Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.

Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu, cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé.

Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.

Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa bà mụ đã trông thấy một con lợn rừng nằm chết trong sân, trên thân đầy vết vuốt cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết con cọp đã bắt lợn để trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. 

Hổ làm Thành hoàng làng


Đình Bình Thủy - di tích đặc biệt ở Cần Thơ.

Ngoài giai thoại trên, người dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều câu chuyện khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ.

Nơi vàm sông, người ta đặt tên là vàm Ngã Tư Bé. Khi miếu được xây dựng thành đình sau biến cố quan Khâm sai đại thần gặp nạn, dân địa phương vẫn xem Thần Hổ là “ông Cả” - tức Thành hoàng Bổn cảnh của làng.

Bộ cốt Thần Hổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn đặt trên bệ thờ cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, sau này nhiều người đến viếng đình cứ lén vặt râu, lông Thần Hổ để làm thuốc.

Ở đình Bình Thủy hiện nay có hai khu vực thờ Thần Hổ, một ở khuôn viên đình - thờ trong miếu, một ở chánh tẩm thờ bộ cốt. Đây là trường hợp đặc biệt ít thấy ở các ngôi đình Nam Bộ. Bộ cốt hổ thờ trong chánh tẩm được cúng bằng vật phẩm tam sên; còn miếu thờ được cúng bằng một con lợn trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ Yên.


Lễ Kỳ Yên đình Bình Thủy.

Lễ Kỳ Yên thượng điền diễn ra từ ngày 12 - 14/4 âm lịch. Đây là lễ hội cúng Thành hoàng Bổn cảnh. Sự kiện này gồm nhiều nghi thức như cúng tế, cầu ai, thỉnh sắc thần, hát bội.

Lễ Kỳ Yên hạ điền diễn ra từ ngày 14/12 - 15/12 âm lịch với sự tham gia đông đảo của người dân. Bên cạnh những nghi thức cúng bái, trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội còn tổ chức nhiều phong tục, trò chơi dân gian như hát tiều, hát bội, thả vịt, thi kéo co, thi nấu ăn.

Xưa kia, khi đường giao thông bộ chưa mở rộng, lễ rước sắc thần diễn ra trên sông bằng thuyền rồng và bè thủy lục, nay đã được thay thế bằng long xa và các phương tiện giao thông đường bộ.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 1989 đình Bình Thủy đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2001, đình được đầu tư trùng tu tôn tạo tổng thể, trở thành một di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân vùng sông nước Cần Thơ.

Bài liên quan
Những “nam thần” cầm tinh con Hổ
(GDTĐ) - Những nam thần tuổi hổ với lượng fan đông đảo trong nhiều năm qua phải kể đến Lam Trường, Ông Cao Thắng hay cầu thủ tài ba Nguyễn Hoàng Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Bộ cốt hổ” trong đình cổ Bình Thủy