Xã đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo khi đáp ứng trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo quy định tại Thông tư 13, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 20.
Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục (tiêu chí số 5) gồm tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên (≥60%); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục (cấp độ 1).
Huyện đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo khi đáp ứng trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 18 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa số trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số trường THPT của huyện.
Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao, trong đó có 100% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục (cấp độ 2). Huyện đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo khi đáp ứng trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2 theo quy định tại Thông tư 18; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2...
Để đạt được những điều trên, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cũng nêu ra một số nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục bảo đảm hiệu quả; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài.
“Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường, lớp học ở các khu tái định cư, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục có tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu...”, ông Sinh nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, hội thảo được tổ chức không chỉ để hiểu sâu sắc về Bộ tiêu chí liên quan đến giáo dục, tổ chức ra sao, nội hàm như thế nào? Mà chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn, hiểu nó để tham mưu chính sách cho HĐND địa phương, từ đó chi nguồn kinh phí thỏa đáng để phát triển giáo dục.
“Qua đây để thấy rằng ý nghĩa việc tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là cơ hội của giáo dục đặc biệt là giáo dục địa phương”, ông Trinh nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cùng các Bộ, ngành tham mưu Bộ NN&PTNT làm đầu mối trình Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Bộ GD&ĐT cũng Ban hành tiêu chí liên quan đến giáo dục.
“Bộ tiêu chí mới chúng ta có điều chỉnh theo hướng nâng cấp để phù hợp với mục tiêu chung của Chương trình. Chúng ta tập trung vào lĩnh vực: cơ sở vật chất, công nhận trường chuẩn Quốc gia, phổ cập mầm non 5 tuổi, Giáo dục tiểu học, THCS, THPT… Đây là những nội dung lớn, vì vậy chúng ta tổ chức thực hiện theo một cách cụ thể”, ông Trinh khẳng định.
PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo. |
Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất nhìn nhận, giai đoạn qua chúng ta làm được rất nhiều việc, tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận có một số hạn chế nhất định. Chính vì thế, phải bám vào những tiêu chí nâng cao để tiếp tục điều chỉnh, có tầm nhìn cho giai đoạn mới.
“Từ việc hiểu rõ Bộ tiêu chí, chúng ta phải xác định xem nguồn lực ở đâu thực hiện. Vì vậy, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn để trên cơ sở đó tham mưu các cấp có thẩm quyền trích nguồn lực tài chính từ Chương trình xây dựng nông thôn mới để chúng ta xây dựng cơ sở vật chất, xóa mù chữ, nâng cao chất lượng dạy học…”, ông Trinh chia sẻ.
Đặc biệt, ông Trinh cũng lưu ý vấn đề quy hoạch, trong đó phải dành quỹ đất thỏa đáng để phát triển giáo dục. Những nơi dân số cơ học tăng nhanh như: Khu công nghiệp, khu chế xuất… Đây là những vấn đề lớn, trách nhiệm tham mưu của chúng ta.
“Hội thảo để chúng ta trao đổi, lắng nghe những vấn đề từ cơ sở, những khó khăn, cách thức và kinh nghiệm hoạt động, để hiểu và tham mưu chính sách cho địa phương. Đây là cơ hội để tạo cú hích phát triển giáo dục địa phương”, ông Trinh nhấn mạnh.