Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu đầy gian nan'

Mỹ Hà | 19/11/2022, 07:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng phía trước của chúng ta".

Tại buổi gặp mặt 400 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được khen thưởng nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ như trên về nghề giáo.

Theo Bộ trưởng, mỗi nhà giáo được vinh danh hôm nay có những hoàn cảnh riêng trong cuộc sống và trong công tác nhưng tất cả đều có điểm chung là những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, luôn say mê, tận tụy với nghề, hết lòng với học trò.

Và sự kiện này nhằm biểu dương, tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu đại diện cho các nhà giáo ở các cấp học, bậc học; các nhà giáo đại diện các vùng miền trong toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ GDĐT: Hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu đầy gian nan - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Ng. Mạnh).

Đó là các thầy giáo, cô giáo ở các trường mầm non không quản khó khăn, tận tình chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Đó là các thầy giáo, cô giáo ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, gắn bó với lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh.

Đây cũng là các giảng viên - các nhà khoa học ở các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng chia sẻ, trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, lĩnh vực giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Thế nhưng dù trong giai đoạn khó khăn, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng.

Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy, các cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Và trong bối cảnh chung của giáo dục trên toàn thế giới, Bộ trưởng cho rằng, ngành giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều việc phải phấn đấu.

Theo đó, mỗi thầy cô đều có sứ mệnh tiên phong với tương lai giáo dục đất nước, không thể chỉ ngồi than vãn về sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ đến mà phải chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động.

Bộ trưởng Bộ GDĐT: Hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu đầy gian nan - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao thưởng cho thầy cô chiều 18/11 (Ảnh: Ng. Mạnh).

"Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai.

Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức học mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội", Bộ trưởng nói.

Theo tư lệnh ngành giáo dục, sở dĩ ông nói điều này để đội ngũ thầy cô ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình.

"Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta.

Nhưng hành trình này là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng phía trước của chúng ta.

Giáo dục là tạo động lực, là định hướng cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi, sự tiến bộ, chinh phục cái mới, và là bà đỡ cho những ý tưởng mới.

Chúng ta cần phải là người dẫn đường, đây là trọng trách lớn, là sứ mệnh của nhà giáo chúng ta.

Tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả nhà giáo", Bộ trưởng nhắn nhủ.

"Tình yêu nghề tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thầy cô"

Tại buổi lễ, TS Hoàng Quý Châu, giảng viên khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng: "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Do đó, thầy giáo không chỉ quan trọng đối với mỗi người mà quan trọng đối với cả một quốc gia và một nền văn hóa dân tộc.

Dù khó khăn nhưng cô Châu tin rằng, tình yêu nghề đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để người thầy bước tiếp những bước dài, để tư tưởng luôn vững vàng, nỗ lực hơn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng ở môi trường đại học.

"Cần chung tay của nhiều ngành và toàn xã hội"

Sau 25 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) càng thấm thía hơn về sự cao quý của nghề nghiệp mình đang theo đuổi.

Thầy giáo cho biết, rất nhiều giáo viên đang nỗ lực học tập phương pháp giảng dạy mới, nghiên cứu sách giáo khoa mới, tham gia các khóa học về công nghệ để ứng dụng vào thiết kế bài học...

Thầy, cô nào cũng xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đào tạo con người mới, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, theo thầy Hùng, bên cạnh nỗ lực của từng giáo viên, để sự nghiệp đổi mới giáo dục hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. 

Bài liên quan
Vinh danh hơn 100 tập thể, nhà giáo tiêu biểu ở Lai Châu
Trên 100 tập thể, nhà giáo tiêu biểu ở Lai Châu được vinh danh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu đầy gian nan'