Không thể để lãng phí trong khi học sinh không có đồ mới để mặc, cô Ba lại tranh thủ thời gian rỗi để sửa lại đồng phục, đồ ấm cho học sinh. Bộ nào rộng quá, cô tháo hết ra và đo, cắt may lại cho vừa với từng em.
“Trước đây, khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học, trong thời gian chưa tìm được việc làm, tôi có học lớp cắt may căn bản, biết sử dụng máy may để có thể tự may đồ cho mình và các thành viên trong gia đình. Vì vậy, đồ của học sinh, dù rộng hay dài có thể sửa để các em được mặc đẹp. Quần rộng quá thì phải tháo lưng ra, cắt sửa lại cho vừa”, cô giáo trẻ cho hay.
Sự chăm chút của cô dành cho học trò không chỉ dừng ở đó. Cô Thu Ba còn có “nghề tay ngang” là cắt tóc cho học sinh. “Thường sau mỗi dịp nghỉ dài ngày như Tết, hè, khi trở lại trường, học sinh nam đa phần tóc dài quá tai.
Học sinh nữ thì tóc mái che cả mắt. Móng tay, móng chân của các em cũng để dài, không được vệ sinh, cắt gọn. Cô giáo đành kiêm luôn việc cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho trò được gọn gàng, sạch sẽ”, cô Ba cho biết.
Anh Hồ Văn Long - phụ huynh của em Hồ Thị Phượng Hằng kể: “Ở thôn không có ai cắt tóc cả. Mình cắt tóc thì con gái chê xấu, không cho cắt, khóc mãi. Muốn cắt đẹp thì phải xuống xã. Mỗi lần cắt tóc mất 20 nghìn đồng, bán mấy bó rau mới đủ tiền cắt tóc. Cô giáo cắt cho vừa đẹp lại không phải đi xa nên con mình thích lắm”.
Cô Thu Ba còn hướng dẫn học sinh cách tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn tóc tai, quần áo gọn gàng, không dầm mưa vì vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa ẩm mốc. Những chăm sóc ân cần của cô giáo đã góp thêm nhiều niềm vui để học sinh đến trường đều đặn mỗi ngày.
Năm học này, điểm trường Tu Gia được các nhà hảo tâm tặng dép, ủng đi mưa, áo mưa… nên học sinh đi học đỡ trơn trượt, không còn bị ướt hết quần áo. Bữa ăn trưa của các em cũng không phải ngồi bệt giữa sàn nhà lớp học mà có bàn riêng để ăn.
“Được nhà hảo tâm ủng hộ bàn ghế, vừa làm bàn ăn cho học sinh nhưng cũng làm luôn bàn học cho các bé điểm trường mẫu giáo. Cứ rèn cho học sinh nền nếp trong sinh hoạt thì khi lên lớp 3, chuyển về điểm trường xã, các em ít bỡ ngỡ, hòa nhập nhanh với môi trường bán trú”, cô Ba chia sẻ.
Mỗi tuần, học sinh mẫu giáo và tiểu học ở điểm trường thôn Tu Gia sẽ có 2 bữa ăn trưa tại trường từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. |
Dạy học ở điểm trường thôn, trong điều kiện vốn tiếng Việt của học sinh còn ít, lại phải dạy lớp ghép, cô Thu Ba cho biết, ưu tiên đầu tiên vẫn là học sinh đọc thông, viết thạo, tính toán được, tự tin khi giao tiếp.
“Dạy học ở điểm trường thôn sẽ vất vả và khó khăn hơn so với điểm trường chính, từ điều kiện giao thông, đường sá. Nhưng giờ phương tiện dạy học ở các điểm trường lẻ được cải thiện. Như điểm trường Tu Gia năm nay, giáo viên có thể khai thác tài nguyên điện tử để tăng tính hấp dẫn cho giờ dạy. Học sinh vì vậy có hứng thú học tập hơn”, cô vui mừng kể.
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) trao đổi: Học sinh nhà trường, dù ở điểm trường chính hay các điểm trường thôn, đều được hỗ trợ tiền ăn trưa theo chính sách, chế độ của Nhà nước.
Tuy nhiên, vì có nhiều điểm trường lẻ, quy mô học sinh ít nên nhà trường không thể tổ chức bếp ăn cho các ngày học trong tuần. Vì vậy, nhà trường thống nhất với phụ huynh ở các điểm trường này sẽ nhận hỗ trợ bằng tiền mặt.
Nhiều giáo viên đứng điểm tại các trường thôn, như cô Nguyễn Thị Thu Ba đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thêm suất ăn cho học sinh. Sự chăm chút của cô giáo đã giúp cho điều kiện sinh hoạt, học tập của các em tốt hơn, đầy đủ hơn.
Từ các nguồn lực hỗ trợ, học sinh được cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn. Trung thu, ngày Tết thiếu thi, Tết Nguyên đán cũng đều có quà, bánh, thêm chút niềm vui cho ký ức tuổi thơ vùng cao.