Ca trù 'lội ngược dòng' định hình chuẩn mực

Trần Hoà | 27/12/2022, 13:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 vừa diễn ra có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội với 56 tiết mục.

Đáng chú ý có ba điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần: Bích Câu đạo quán, đền Quan Đế và đình Kim Ngân - thu hút công chúng và khách du lịch đến thưởng thức. Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện có hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 200 người thực hành. Các câu lạc bộ còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và sáng tác thêm hàng chục làn điệu mới.

Ca trù 'lội ngược dòng' định hình chuẩn mực ảnh 1
6 giải Nhất được trao cho các cá nhân trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 - năm 2022.

Chuẩn hóa ca trù theo giá trị nào?

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho hay, khi ca trù đã “lội ngược dòng”, đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thì việc định hình chuẩn mực là yêu cầu cấp bách để chuẩn hóa giá trị di sản. Đó là việc trao truyền, đào tạo các thế hệ kế cận phải đúng quy chuẩn, không thể tùy tiện.

Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả nhân loại. Nhưng để đạt được điều đó, ca trù có chuẩn mực riêng và đã đúc kết cả trăm năm trước khi được thừa nhận. Ngày trước, các đào nương phải hát giọng “kim”, không được hát giọng “thổ”, bởi giọng “thổ” trùng với âm thanh đàn đáy.

Giọng cao phải khác với thanh trầm của đàn đáy và giọng hát đó phải gieo phách lúc giòn, lúc rơi. Vào cuối thế kỷ 20, Hà Nội có những nghệ nhân đạt đỉnh cao của nghệ thuật như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản… Họ đều là những nghệ nhân bậc thầy với những lối hát khác nhau, mỗi người một phong cách nhưng đều giữ các nguyên tắc chung.

Ca trù 'lội ngược dòng' định hình chuẩn mực ảnh 2
Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù.

Vừa có thơ, vừa có nhạc, ca trù là loại hình nghệ thuật thịnh hành nhất nhì xưa kia. Ca trù có thể cách đa dạng, với 5 không gian diễn xướng khác nhau - tôn nghiêm ở cửa đình (hát thờ), cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi).

Phố Khâm Thiên trong lòng Hà Nội, một trong những nơi diễn ra các buổi hát ca trù thâu đêm tới sáng, giới văn nhân trí thức lẫn những người yêu nhạc tấp nập hội hè.

Nhưng trong đời sống hiện đại, mấy người “cảm” được cái hay, cái đẹp của ca trù? Thanh âm ca trù có sự vang vọng đặc trưng và ma mị, từ nhạc cụ cho đến tiếng nhả chữ nảy đanh như “hạt ngọc đổ mâm vàng”. Cách mà ca trù đang sống trong hiện tại cũng giống như một thanh âm vọng lại.

Bởi vậy theo ông Đặng Hoành Loan, ngoài việc thúc đẩy truyền dạy, thực hành ca trù và phát hiện tài năng ở nhiều lứa tuổi, phải tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo công chúng nhận ra cái hay nét đẹp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Định hình chuẩn mực ca trù – một số nhà nghiên cứu lại cho rằng không cần thiết. Bởi sau nhiều năm chìm nổi, khán giả Việt vẫn xa lạ với ca trù nguyên gốc. Trong khi nếu đột phá thì dễ “chạm” tới công chúng – như cách nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết kết hợp ca trù với nhạc cụ phương Tây, hay nhạc sĩ Trí Minh khai thác chất liệu mới mẻ. Thậm chí, còn có thể “hát rap ca trù” - vì trong con mắt người trẻ, ca trù sống theo cách khác, mang hơi thở đương đại.

Bài liên quan
Tái thiết di sản công nghiệp, biến nhà máy cũ thành không gian văn hoá
Tái thiết di sản công nghiệp, biến nhà máy cũ thành không gian văn hoá - là việc nên làm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca trù 'lội ngược dòng' định hình chuẩn mực