Ngày 9/12 vừa qua, UBND Quận 1 đã tổ chức lễ ký kết hưởng ứng công tác chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng với trường học trên địa bàn quận gồm: Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Việc ký kết này nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Ngay sau lễ ký kết, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Hoà Bình (Quận 1) có chuyến tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Đây là một trong những đơn vị đã thực hiện chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, số hóa hiện vật, cổ vật trưng bày tại bảo tàng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác dạy và học, cũng như tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều khách tham quan.
Tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình được hướng dẫn làm quen với robot Batalis cũng như cách sử dụng để phục vụ việc tìm hiểu và tra cứu thông tin thú vị về lịch sử Việt Nam. Cũng tại đây, các em được tham quan các phòng trưng bày hiện vật dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên.
Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, việc ký kết sẽ giúp các trường chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học di sản văn hóa phù hợp với điều kiện. Bảo tàng trở thành “lớp học” thực tế thú vị, từ robot thông minh với các trò chơi giải đố về kiến thức lịch sử, văn hóa, cho đến màn hình hiển thị thông tin giúp học sinh chủ động hơn trong tìm kiếm thông tin. Qua đó, học sinh và thầy cô giáo thuận lợi trong việc khai thác, truyền tải, tiếp nhận nội dung bài học.
Cũng theo chia sẻ của cô Hương, trong những năm gần đây, Trường Tiểu học Hoà Bình tổ chức các tiết học Lịch sử thông qua hoạt động như: Buổi ngoại khóa “Đưa bảo tàng về với học đường”; hoạt động ngoài giờ lên lớp “Khám phá di sản Dinh Độc Lập online”,… Nhờ đó, môn Lịch sử đến với học sinh không còn khô khan, chỉ gói gọn thông tin trong sách giáo khoa, mà trở thành một trong những môn học được nhiều em yêu thích.
“Bên cạnh đó, học sinh được tham gia trò chơi, tra cứu thông tin từ thiết bị số hiện đại và đặc biệt là được tiếp cận với di sản văn hóa, lịch sử ngay tại thư viện, phòng truyền thống hoặc được lưu giữ rất đầy đủ tại bảo tàng trong thành phố. Trong học kỳ II của năm học 2022 - 2023, tất cả khối lớp cũng có kế hoạch cụ thể để triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc học tập, nghiên cứu và dạy học thông qua việc sử dụng di sản văn hóa”, cô Hương chia sẻ.
Sau khi tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM ngày 9/12, em Gia Cẩm Linh, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (Quận 1) chia sẻ: “Trong chuyến trải nghiệm lần này em thấy có nhiều thay đổi so với những lần trước. Bảo tàng đã cập nhật thêm nhiều thông tin mới, những phương tiện hiện đại để em và các bạn có thể chủ động hơn trong việc tự học kiến thức, từ đó hiểu hơn về lịch sử nước nhà”.