Từ kinh nghiệm bảo tồn của các nước, Viện Pháp và Viện Goethe tại Việt Nam từng tổ chức chuỗi hội thảo để đưa ra đề xuất, giới thiệu mô hình tái thiết phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
Ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi sáng tạo này là khu phức hợp văn hóa La Friche tái thiết từ nhà máy thuốc lá SeiTa (Pháp). Từ năm 1991 đến năm 2000, nhà máy được chuyển đổi thành khu phức hợp văn hóa gồm 5 không gian biểu diễn, sân chơi, thể thao, nhà hàng, hiệu sách, cùng một khu triển lãm. Hiện tại La Friche cung cấp không gian làm việc cho khoảng 350 nghệ sĩ và trở thành địa điểm biểu diễn công cộng.
Thực tế tại Việt Nam cũng có không ít mô hình chuyển đổi từ cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo mới, như 282 Design Bồ Ðề (Long Biên). Vốn là một nhà máy cũ, sau khi chuyển đổi đã trở thành không gian làm việc, tổ chức các cuộc tọa đàm chia sẻ, trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật...
GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, duy trì và phát triển tiếp di sản đô thị là việc rất nên làm. Di sản đô thị là một cấu trúc không gian lịch sử của đô thị, là không gian sống động tồn tại và phát triển hằng ngày. Do đó cần có sự cải tạo, sáng tạo, duy trì và phát triển tiếp nối.
Đô thị là đỉnh cao của nền văn minh cộng cư và tồn tại trong thời gian dài. Đô thị trong lịch sử đều sở hữu tài sản - di sản của quá khứ dù lớn hay nhỏ. Mỗi đô thị chỉ có thể duy trì, bảo lưu và củng cố được diện mạo riêng, tâm hồn riêng và bản sắc riêng.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu: “Sự tồn tại của di sản văn hóa phản ánh thái độ ứng xử của triều đại sau đối với triều đại trước. Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà đó là “không gian đối thoại giữa hiện tại và quá khứ”, thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại”.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế so các di tích, di sản văn hóa khác. Trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này, cũng như chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ.
Cũng theo bà Hậu, di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một “gánh nặng” do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình hiện đại hóa - do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, là quận có nhiều di sản được biết đến với kiến trúc chuyên biệt, mang lợi thế về quy hoạch. Quận hướng tới tu bổ các di tích bị bỏ sót, chuyển đổi thành không gian văn hoá sáng tạo cộng đồng.
Một trong những trở lực lớn là khái niệm di sản công nghiệp còn khá mới và chưa được pháp lý hóa. Do chưa chính danh nên việc bảo vệ và tái thiết các di sản công nghiệp còn khó khăn.
PGS. Phạm Thúy Loan, Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam.