Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể

PV | 30/11/2022, 09:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sự kiện này cũng cho thấy một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022–2026.

Nghề làm gốm truyền thống có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Chăm. Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm Chăm hiện còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.

Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm. Tuy phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng khiến di sản có nguy cơ biến mất, cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn luôn nỗ lực bảo vệ di sản này.

Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã đánh giá hồ sơ di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đáp ứng đủ 5 tiêu chí được Công ước đề ra và ghi danh di sản vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.

Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong suốt thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.

Bài liên quan
Những làng nghề truyền thống đẹp như cổ tích tại Hà Nội
Làng nghề truyền thống tại Hà Nội tô đậm nét cổ điển nhưng không kém phần hiện đại của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể