Đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm 3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Di sản tư liệu có nhiều dạng, ngoài các cơ quan Nhà nước còn có số lượng lớn trong một số gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Di sản tư liệu ở làng quê rất phong phú, đa dạng và cần thiết phải nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị - bắt đầu từ các gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, dù đã qua 15 năm là quốc gia thành viên, nhưng ngay ở trong nước di sản tư liệu vẫn chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn lẫn định hướng quảng bá.
Các loại hình di sản khác vốn được bảo vệ bởi pháp luật, nhưng chúng ta cũng thấy rất dễ bị xâm phạm, thậm chí biến mất. Còn di sản tư liệu, vẫn phải bơ vơ – và khi không có hành lang pháp lý bảo vệ, không có một “lối đi riêng” thì khó có thể bảo tồn toàn vẹn, càng khó để phát huy giá trị.
Di sản tư liệu xác định vị thế quốc gia, phản ánh ký ức và bản sắc của mỗi dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới xác định các nền văn hoá và văn minh, đó cũng là lý do vì sao chúng ta phải bảo vệ di sản tư liệu – ký ức của dân tộc.