Di sản đầm An Khê trước nguy cơ bội thực dự án

Trần Hoà | 15/07/2022, 15:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầm An Khê (Đức Phổ - Quảng Ngãi) là điểm gắn kết chặt chẽ với di sản văn hoá Sa Huỳnh, là mắt xích quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử.

Thế nhưng ngoài dự án điện mặt trời, “cái nôi” văn hoá Sa Huỳnh lại tiếp tục bội thực dự án - khi có dự án mới nhắm vào. Việc doanh nghiệp “khoái” đất di sản đang khiến giới bảo tồn lo ngại, đặt nhiều dấu hỏi về tương lai đầm An Khê.

Tại hội nghị tham vấn về giá trị của văn hóa Sa Huỳnh và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, mới đây - PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nói rằng: Đang có mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển.

Đầm An Khê có vai trò quan trọng trong sinh kế cộng đồng, cũng là nơi tạo điều kiện cho nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ, không ở đâu có.

Quảng Ngãi được xem là “cái nôi” của văn hóa Sa Huỳnh – nền văn hóa thời đại kim khí. Nền văn hóa này được nhiều học giả quốc tế và trong nước quan tâm nghiên cứu trong hơn một thế kỉ qua.

Giới chuyên gia nhận định, hệ sinh thái đầm An Khê giống như quả trứng. Nếu sử dụng ngoại lực tác động để phá vỡ vỏ trứng, sự sống có thể bị tổn thương hoặc kết thúc.

Trong khi các vấn đề liên quan đến dự án điện mặt trời chưa kết thúc, thì gần đây “quả trứng An Khê” tiếp tục có dự án nhắm vào. Đó là dự án bất động sản nghỉ dưỡng The Pearl Sa Huỳnh do Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm đề xuất.

Việc doanh nghiệp “khoái” xây dựng trên đất di sản không phải chuyện lạ, thậm chí đã rất phổ biến ở một số tỉnh thành. Năm 2021, dư luận biết đến dự án khách sạn L’Hotel du Printemps Eternel phía dưới công trình dinh Tỉnh trưởng (Đà Lạt – Lâm Đồng) với vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú...

Nhà chức trách đưa ra nhiều phương án nhưng đều bị dư luận phản đối, vì phương án nào cũng hướng đến việc xây dựng một công trình khách sạn đồ sộ, tổ hợp dịch vụ cao tầng và xâm hại tính toàn vẹn không gian di sản.

Trong khi ở các thành phố tại châu Âu, người ta luôn suy nghĩ đến việc làm sao tăng cường mảng xanh, thì chúng ta làm ngược lại. Trong khi thế giới cố gắng tránh động chạm tổn hại đến các giá trị lịch sử - văn hóa, thì chúng ta cũng làm ngược lại.

Dư luận đang rất quan tâm về việc đầu tư 2 dự án nhà máy điện mặt trời và dự án bất động sản sẽ làm tổn thương đến đầm An Khê cũng như di sản văn hoá Sa Huỳnh. Tuy nhiên, tương lai An Khê sẽ thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và sự nhận diện văn hoá của tỉnh Quảng Ngãi.

Rất có thể ngành văn hoá tỉnh này sẽ hoàn chỉnh hồ sơ Di tích văn hóa Sa Huỳnh, trình lên cấp trên để Chính phủ ra quyết định công nhận Di sản quốc gia đặc biệt. Đồng thời, xây dựng hồ sơ trình UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới.

Nhưng cũng có thể, An Khê sẽ phải đối diện với tương lai phủ nhận các giá trị văn hoá – lịch sử, mà hơn 100 năm qua các học giả đã cố công tìm kiếm.

Bài liên quan
Đánh giá xứng tầm văn hoá Sa Huỳnh
Là một trong ba nền văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nền văn hoá Sa Huỳnh chưa được đánh giá xứng tầm với ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di sản đầm An Khê trước nguy cơ bội thực dự án