Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy học tích hợp

Hải Bình | 23/10/2022, 16:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cơ sở giáo dục cần nắm được các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn dạy học tích hợp để triển khai tốt các môn học này.

Những văn hướng dẫn bản quan trọng

Triển khai các môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương, những văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhà trường cần nắm vững gồm:

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học: Công văn 3699 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022; Công văn số 4020 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần.

Cơ sở giáo dục sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên.

Ví dụ, đối với giáo viên được phân công dạy học môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời vẫn dạy học môn Vật lý (hoặc Hóa học hoặc Sinh học) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006: Trong các tuần nếu có nhiều tiết dạy môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7), cần giảm số tiết (hoặc không bố trí) dạy học môn Vật lý (hoặc Hóa học hoặc Sinh học lớp 8, lớp 9).

Sau khi đã hoàn thành nội dung được phân công dạy học môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7) thì tăng số tiết/tuần đối với môn Vật lý (hoặc Hóa học hoặc Sinh học lớp 8, lớp 9) để bảo đảm thực hiện đúng thời lượng của chương trình môn học phù hợp trong mỗi học kì.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì.

Kiểm tra, đánh giá đối với các môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương cũng được Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy học tích hợp  ảnh 1
Ảnh minh họa/ITN.

Chỉ đạo về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Về công tác chỉ đạo về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục các mô đun bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Công tác bồi dưỡng tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục 2018 được Bộ GD&ĐT triển khai với 9 modul. Trong đó có hướng dẫn việc thực hiện chương trình các môn học bao gồm môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí để địa phương, cơ sở giáo dục chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (theo các Quyết định số 2453 đối với cấp Tiểu học, Quyết định số 2454 đối với cấp THCS, Quyết định số 2455 đối với cấp THPT).

Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Trong đó “căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng”.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định “...tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp”.

Thực hiện Nghị quyết 88 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế Chương trình môn Lịch sử và Địa lí, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Bài liên quan
Dạy học tích hợp liên môn online với bảo tàng thực tế ảo
Học kỳ vừa qua, dù không thể trải nghiệm thực tế tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vì dịch bệnh, nhưng thầy trò Trường Olympia (Hà Nội) vẫn có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử thời đại Lý - Trần theo một cách độc đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy học tích hợp