Cách học và ôn tập tốt môn Ngữ Văn

Hồng Hải | 29/03/2023, 06:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên môn Văn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội gợi ý một số cách học hiệu quả, giúp học sinh tự tin vượt ải môn Ngữ Văn.

Cô Phượng cho biết, để đạt điểm tốt môn Văn không quá khó, tuy nhiên học sinh cần nắm được cấu trúc và kỹ năng làm bài của từng dạng.

Với phần đọc hiểu, học sinh phải nắm chắc kiến thức về phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, phép tu từ và tác dụng của các biện pháp nghệ thuật. Đồng thời, trả lời các câu hỏi ngắn gọn, trúng ý...

Đối với phần nghị luận xã hội, học sinh lưu ý viết đoạn văn ngắn khoảng 2/3 trang giấy thi, trả lời 4 câu hỏi chủ chốt: “Là gì - Tại sao - Như thế nào - Phải làm gì?”. Đặc biệt, biết sử dụng dẫn chứng thuyết phục, phù hợp với vấn đề nghị luận.

Còn với phần nghị luận văn học, học sinh cần chú ý 3 điểm: đọc kĩ đề, gạch chân các từ khóa; xác định yêu cầu của đề bài (vấn đề nghị luận; kiểu bài nghị luận); xác định phạm vi tư liệu sẽ sử dụng trong bài viết (kiến thức về tác giả, tác phẩm; các kiến thức liên quan …)

Cô Phượng cũng lưu ý, một bài văn hay được kết hợp hài hòa 2 phương diện: luận điểm mạch lạc và diễn đạt có chất văn. Về luận điểm, học sinh đọc kĩ yêu cầu của đề, lập dàn ý trước khi viết để kiểm soát các ý, xác định ý trọng tâm, tránh sót ý… Về diễn đạt, học sinh cần linh hoạt thay đổi giọng điệu trong từng phân đoạn của tác phẩm. Đồng thời, chú trọng đến cách dùng từ, đặt câu, lập luận chặt chẽ và sử dụng dẫn chứng phù hợp, thuyết phục…

Ví dụ, để làm tốt bài nghị luận về tùy bút “Người lái đò sông Đà”, học sinh cần hiểu đây là áng văn đẹp thể hiện được nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân - nhà văn tài hoa uyên bác. Tác phẩm rất thành công khi phát hiện và miêu tả chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cùng chất vàng mười quý giá trong tâm hồn, tính cách những người lao động bình dị miền núi Tây Bắc.

“Bài nghị luận văn học vốn là phần phân loại học sinh. Với những học sinh trung bình các em cần đảm bảo viết đúng và đủ ý. Đặc biệt, chuẩn bị trước phần mở bài và kết bài, tránh sự lúng túng không biết mở bài thế nào, gây mất thời gian.

Với học sinh khá, để bài viết sâu và “ăn điểm” hơn, các em nên mở rộng thêm phần so sánh. Ví dụ, khi phân tích về hình ảnh người lái đò, học sinh có thể so sánh với tác phẩm thời kỳ trước cách mạng của nhà văn như “Chữ người tử tù” để thấy điểm giống, khác nhau ở chỗ nào”- cô Phượng chia sẻ.

Cô Phượng cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn ôn thi “nước rút”, các sĩ tử phải giữ gìn sức khỏe thật tốt và nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

“Hãy đặt lòng tin vào khả năng của mình và giữ tinh thần chiến đấu. Nhân sinh quan tích cực chính là ánh nắng ban mai soi rọi trong trái tim các em. Và đừng chỉ nghĩ về kết quả sẽ như thế nào, hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, làm những gì các em cần làm mỗi ngày” cô Phượng gửi gắm đôi lời tâm tình đến các sĩ tử 2k5.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bi-kip-vang-de-hoc-va-on-tap-tot-mon-ngu-van-post632132.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bi-kip-vang-de-hoc-va-on-tap-tot-mon-ngu-van-post632132.html
Bài liên quan
4 lưu ý khi ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử
TS Phạm Văn Giềng, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) đưa ra 4 lưu ý với thí sinh khi học, ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách học và ôn tập tốt môn Ngữ Văn