Thời gian làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh đã xử một vụ kiện gây rúng động lúc bấy giờ. Người bị xử thua là một gia đình nhà giàu, có quan hệ mật thiết với nhiều đại thần trong triều. Người này ỷ thế chiếm nhiều đất đai của dân đen. Ông giữ liêm chính, công tâm không lợi dụng chức vụ và đã xử cho dân thắng kiện.
Trong những ngày làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và Giám sát ngự sử Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh nhận ra tình cảnh quan lại thời Lê - Trịnh thối nát nên quyết định từ quan về quê và mở trường dạy học. Trường học của ông mang tên là Mai Sơn giảng học đường. Trong khoảng thời gian ông truyền bá học vấn, đạo đức, nhân nghĩa cho các học trò.
Năm Nhâm Thìn (1772) Nguyễn Bá Quýnh qua đời. Vua Lê đã có sắc phong truy tặng cho ông tước Mai Lĩnh Hầu, phong làm phúc thần, được thờ chung một ngôi đền với cha là Nguyễn Phùng Thời.
Hiện nay, hai cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời không chỉ được thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Phùng mà còn được tôn thánh trong ngôi đền nổi tiếng là Hai Hầu. Ngôi đền được đặt tên như vậy vì cả hai cha con đều được ban tước Hầu.
Đền Hai Hầu - nơi thờ cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời được công nhận di tích quốc gia năm 2014. |
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Văn miếu Quốc Tử Giám, từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Lê Dụ Tông yêu cầu Tế tửu cùng tham gia giảng dạy cho học trò để khuyến khích sĩ tử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chức năng của Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cho nhà nước, vì thế Tế tửu với vai trò là người đứng đầu Quốc Tử Giám ngoài việc tổ chức dạy và học, còn phải tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh, chấm bài và báo sang bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài.
Quốc Tử Giám dưới thời Lê còn là cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo của nhà nước, nên khi triều đình có chủ trương thay đổi quy chế thì quan Tể tửu phải thực hiện thay đổi chương trình dạy và học. Đồng thời hướng dẫn cho các trường học trong cả nước, cho các học quan ở các địa phương tuân theo.
Chức vụ Tư nghiệp thời Trần là chức học quan đứng đầu Quốc Tử Giám, sang thời Lê sơ là chức quan thứ 2 sau Tế tửu. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.
Để đảm nhiệm được trọng trách trên, ngay từ đầu, khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Đợt tuyển chọn Tư nghiệp đầu tiên của nhà nước dưới thời Trần, Tư nghiệp đã là người phải có tài, có đức và thông hiểu kinh sách.
Thời Lê sơ, Tế tửu và Tư nghiệp đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ. Sau này, từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm.
Thời kỳ này, do yêu cầu về canh tân giáo dục, phục hưng đất nước, nên việc tuyển chọn học quan của Quốc Tử Giám rất được chú trọng. Các vị quan đại thần có uy tín, học vấn uyên bác được triều đình tin tưởng, bổ nhiệm giữ trọng trách Tế tửu, Tư nghiệp.
Đội ngũ học quan này đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nên hàng loạt danh nho, danh thần cho đất nước như: Vũ Miên, Nguyễn Công Thái, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Sĩ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích…
Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa.
Lễ hội tưởng nhớ cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. |
Trong cung thờ gian trong đền Hai Hầu đặt long ngai bài vị của hai cha con Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh. Vị hiệu của Nguyễn Phùng Thời có ghi “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Tả thị lang, Hành lễ bộ Tả thị lang, Thiên sai bồi tụng Lâm Xuyên Hầu trí sĩ Nguyễn tướng công, gia hàm Công bộ Thượng thư, Tứ thụy đoan nghĩ, Trụ quốc thượng giai, lịch triều sắc phong dực bảo Trung hưng thượng đẳng bản cảnh thành hoàng tôn thần”.
Vị hiệu của Nguyễn Bá Quýnh ghi: “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân Triều liệt Đại phu thiếu tuấn Quốc Tử Giám tư nghiệp tặng. Phong kiêm Đông các Đại học sĩ thụy tuấn dinh tiên sinh, gia phong Trịnh thục thần túy đại vương lịch triều sắc phong dực bảo trung hưng Mai Lĩnh tôn thần”.
Tại đền Hai Hầu nay còn treo đôi câu đối: “Nhất môn khoa giáp phụ nhi tử/ Lịch đại bao phong Lê chí Kim” (Dịch nghĩa: “Sắc phong hai chữ Lê và Nguyễn/Khoa giáp một nhà Bố và Con”. Hàng năm vào ngày 11 - 12/3, địa phương đều tổ chức lễ hội hiến dâng lễ vật tưởng nhớ hai vị Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh.