ChatGPT viết văn nhanh nhưng lủng củng

PV | 06/02/2023, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

ChatGPT được đánh giá viết bài luận tiếng Anh mượt mà. Nhưng khi làm đề Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý Việt Nam, thì ứng dụng này lại có kết quả kém, lủng củng.

ChatGPT dao van anh 3

Đọc các đáp án trên của ChatGPT, thầy Nguyễn Xuân Sáng, giáo viên môn Địa lý, trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), đã chấm cho chatbot này mức điểm dưới trung bình (dưới 5/10 điểm). Thậm chí, thầy Sáng còn chấm 0 điểm cho phần trả lời trong câu hỏi trình bày đặc điểm các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam của ChatGPT.

“Hầu hết đáp án về địa lý Việt Nam của công cụ AI này đều rất hời hợt, không trọng tâm vào câu hỏi và nội dung trả lời cũng chưa hoàn toàn chính xác, có câu còn trả lời sai hoàn toàn. Nếu học sinh dựa vào những đáp án này để trả lời câu hỏi của giáo viên, chắc chắn các em sẽ nhận mức điểm dưới trung bình”, thầy Sáng nói.

Thầy Sáng nhận xét ChatGPT không thể trả lời đúng nội dung kiến thức của chương trình Địa lý Việt Nam lớp 12. Bên cạnh đó, công cụ AI này cũng sử dụng không chính xác các từ ngữ chuyên môn liên quan địa lý Việt Nam.

Cụ thể, đối với câu hỏi “Sự phân bố dân cư của Việt Nam như thế nào?”, thầy Sáng cho biết đáp án “Việt Nam có một số phân bố dân cư đa dạng về địa lý và kinh tế” của ChatGPT là không chính xác. Đáp án đúng của câu hỏi này là “sự phân bố dân cư của Việt Nam chưa hợp lý và không đồng đều”.

Ở câu hỏi “Trình bày đặc điểm các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam?”, ChatGPT cũng trả lời hoàn toàn sai. Thay vì xác định Việt Nam có 4 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, chatbot này lại xác định “vùng kinh tế trọng điểm” là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Vũng Tàu.

“Theo tôi, với sự trả lời hời hợt, ngô nghê và thiếu chính xác như trên, ChatGPT sẽ khó ‘thuyết phục’ những học sinh có năng lực tốt sử dụng. Các em hoàn toàn có thể tự đọc và học các nội dung trong sách giáo khoa để tìm câu trả lời chính xác nhất mà không cần sử dụng công cụ AI này để nắm các kiến thức về chương trình Địa lý Việt Nam lớp 12”, thầy Sáng nhấn mạnh.

Làm đề Lịch sử sai lung tung, bị chấm 0 điểm

Với môn Lịch sử, cho ChatGPT trích một số câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT cho ChatGPT làm thử. Câu hỏi đầu tiên là “Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1945-1954), kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi có điểm khác biệt nào so với kế hoạch Rơve?”. ChatGPT trả lời như sau.

ChatGPT dao van anh 4

Thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên môn Lịch sử tại trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội), chấm cho ChatGPT 0/10 điểm. Thầy chỉ ra các lỗi sai trong câu trả lời này như không có kế hoạch nào tên là “Đờ La Đổ Ta Chính Hiệp”. Từ lỗi sai này, các nội dung trong câu trả lời sau đó đều chưa chính xác.

Khi nói về kế hoạch Rơve, chatbot này nêu rằng: “Kế hoạch Rơve, trái lại, được thiết lập năm 1947 và nhấn mạnh sự tập trung vào việc xây dựng một lực lượng quân đủ mạnh và đàn áp trực tiếp vào nền tảng của đối tượng để giải quyết cuộc chiến”. Thầy Giềng nói rằng phần trả lời này lủng củng, không chính xác.

Nhận xét phần kết luận trong câu trả lời này của ChatGPT, thầy Giềng nói khả năng phân tích, nhận biết của ChatGPT gặp vấn đề nên tất cả nội dung đều chưa đúng.

Tiếp đến, yêu cầu ChatGPT trả lời câu hỏi “Đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam?” và nhận được đáp án như sau.

ChatGPT dao van anh 5

Với phần trả lời này, thầy Phạm Văn Giềng cũng chấm cho ChatGPT 0/10 điểm vì trả lời sai toàn bộ. Không chỉ trả lời sai thông tin lịch sử như “sự hỗ trợ từ nước ngoài”, “ưu thế chiến lược”, “sự thành công của chiến dịch tấn công Hội An”, ChatGPT còn sử dụng nhiều từ ngữ thiếu chính xác như “sự chung thủy”, “sự đồng đại”...

Ở một câu trả lời khác, ChatGPT được thầy Giềng chấm 3/10 điểm. Cụ thể, yêu cầu chatbot giải đề: “Nêu bản chất của toàn cầu hóa và những biểu hiệu chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa. Vì sao toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển?”. Siêu ứng dụng này trả lời như sau.

ChatGPT dao van anh 6

Câu hỏi này ChatGPT trả lời khá dài nhưng không đủ ý theo barem điểm (chỉ đạt khoảng 50% ý đúng). Ở phần lý giải lý do, ChatGPT được thầy Giềng nhận xét là trả lời tốt nhưng chưa phân tích cụ thể thời cơ, thách thức đó là gì. Nó cũng chưa trả lời được tại sao đó là thời cơ và thách thức. Vì thế, câu trả lời không đạt yêu cầu, chỉ đạt 3/10 điểm.

Từ một số phần trả lời trên, thầy Phạm Văn Giềng rút ra được những lỗi cơ bản mà ChatGPT đang gặp phải khi làm đề môn Lịch sử là sử dụng từ ngữ không phù hợp, còn mắc lỗi chính tả, khả năng phân tích câu hỏi kém, nêu một số sự kiện lịch sử không có thật nên dẫn đến việc hiểu sai bản chất của vấn đề.

Là một giáo viên Lịch sử, thầy Giềng lo ngại việc học sinh lạm dụng ChatGPT có thể dẫn đến việc lười suy nghĩ, tư duy lịch sử. Nhìn chung, học sinh vẫn cần phải có kiến thức cơ bản và khả năng tư duy để chắt lọc, nhận thức đúng các sự kiện, nhất là các sự kiện liên quan lịch sử Việt Nam.

Nếu ChatGPT có thể cải thiện được những vấn đề nêu trên, thầy Giềng vẫn sẽ khuyến khích học sinh sử dụng nhưng cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để các em thấy rõ vai trò của tư duy lịch sử trong nhận thức các sự kiện.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, thầy giáo cho rằng học sinh chưa nên sử dụng ChatGPT trong học tập. Nếu sử dụng, các em chỉ nên coi đó là một công cụ tham khảo thứ cấp, chưa hoàn thiện. Tốt nhất, trẻ vẫn nên dựa vào sách giáo khoa hoặc các nguồn tài liệu chính thống.

“Chúng ta đang trải qua cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT) ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Đây là xu thế của thời đại nên tôi hy vọng ChatGPT sẽ được cải thiện để trở thành công cụ hữu ích, phục vụ các hoạt động dạy và học”, thầy Giềng nêu quan điểm.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/chatgpt-viet-van-nhanh-nhung-lung-cung-lam-de-lich-su-sai-gan-het-post1399179.html
Copy Link
https://zingnews.vn/chatgpt-viet-van-nhanh-nhung-lung-cung-lam-de-lich-su-sai-gan-het-post1399179.html
Bài liên quan
Dạy học sinh sử dụng ChatGPT hiệu quả
PGS.TS Gretchen Vogelgesang Lester tại Đại học San Jose State (Mỹ) khuyên các nhà giáo dục nắm bắt công nghệ như một công cụ để nâng cao quá trình dạy học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT viết văn nhanh nhưng lủng củng