Chuyện thí sinh không muốn nhập học nguyện vọng 1

PV | 26/09/2022, 12:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời điểm này, các trường đại học đang tiếp nhận hồ sơ thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng nhiều em không muốn nhập học dù trúng tuyển.

Không muốn nhập học nguyện vọng 1

Phạm Triều Dương (Thái Bình) là thí sinh vừa có kết quả đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm số của em đỗ cả vào Học viện Nông nghiệp là nguyện vọng 2. “Làm thế nào để được học trường ở nguyện vọng 2 vì gia đình không thể đảm bảo tài chính để theo học nguyện vọng 1” là câu hỏi em vừa đưa lên facebook cá nhân để tham khảo ý kiến bạn bè. Tất nhiên, theo quy chế tuyển sinh, Dương buộc phải theo học trường đã trúng tuyển nguyện vọng 1 là Đại học Bách khoa Hà Nội.

trung-tuyen-nguyen-vong-1.jpg
Ảnh minh họa.

“Bố mẹ em nói không thể lo được kinh phí để học ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn nếu học ở Học viện Nông nghiệp thì gần nhà, học phí thấp hơn, tổng chi tiêu trong tháng cũng ít hơn thì gia đình sẽ cố được. Em rối bời không biết phải làm sao, nên dù sắp hết hạn đăng ký nhập học, em vẫn chưa thực hiện”, Dương chia sẻ.

Khác với Dương, Lê Thu Quỳnh (Hà Nam) đỗ cả 3 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, nhưng ngành em thích lại nằm ở nguyện vọng 2 và 3. Lý do em để ngành Công nghệ Thực phẩm là nguyện vọng 1 vì đó điều bố mẹ em muốn. Bố mẹ đều làm trong một hãng bánh kẹo lớn, muốn em theo học ngành này để ra trường dễ xin việc, nhưng Quỳnh thích học sư phạm.

“Bố mẹ em nói học công nghệ thực phẩm ở gần nhà, có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí, học xong có việc ngay. Nếu học trường khác, phải ở trọ tốn kém, sinh hoạt đắt đỏ, học phí lại cao hơn nhiều trường gần nhà, bố mẹ sẽ không thể lo được. Bởi thế mà dù đỗ nguyện vọng 1, nhưng em vẫn rất buồn, không muốn nhập học”, Hà chia sẻ.

Từ bỏ ước mơ học ngành mình thích để chọn ngành có học phí rẻ hơn khiến không ít thí sinh như Dương, Quỳnh… phải ngậm ngùi học nguyện vọng 1, dù trúng tuyển mà không hề vui vẻ.

Hãy chọn ngành học yêu thích, sẽ có giải pháp cho vấn đề tài chính

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ, nhiều năm về trước, ĐH FPT nhận được thư của một phụ huynh từ Quảng Trị. Gia đình có cậu con trai đã thi đỗ vào một đại học công danh tiếng ở Đà Nẵng, nhưng lại muốn học ĐH FPT. Gia đình chọn trường công do học phí thấp, và cậu con trai cũng đã vào Đà Nẵng nhập học. Hết học kỳ 1, về nhà nghỉ Tết xong cậu chàng tuyên bố là con nghỉ học, con sẽ ôn thi lấy học bổng để vào học ĐH FPT năm tới, ba mẹ không cần phải lo học phí cho con.

Phụ huynh viết: "Vợ chồng tôi thuyết phục cháu không được, thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất vậy. Lương vợ chồng giáo viên lo không nổi, chúng tôi định bán ngôi nhà đang ở rồi mua căn nhà khác tuềnh toàng hơn, để có tiền lo ăn học cho cháu...".

TS Lê Trường Tùng kể: “Tôi cử cán bộ đi Quảng Trị gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của thí sinh. Sau đó đề nghị nếu như chỉ phải trả 30% học phí (khoảng 2 triệu/tháng) thì gia đình có lo được không? Phần còn lại xem như là trường cho cháu vay, khi nào cháu tốt nghiệp đi làm cháu sẽ trả dần.

Năm nay thì cháu đã tốt nghiệp lâu rồi, và chắc cũng trả nợ xong theo chính sách miễn lãi suất và chỉ phải trả một phần của khoản vay”.

TS Lê Trường Tùng kết luận, tự do học thuật, phải chăng là học được ngành và trường mình muốn. Còn tài chính thì không có cách này sẽ có cách khác, miễn là thực sự quyết tâm.

Bài liên quan
Trước 30/9 thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến
Bộ Giáo dục và Đào tạo mở Hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến từ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 30/9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện thí sinh không muốn nhập học nguyện vọng 1