Chương trình này không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục. Trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học. Hiện nay, hệ thống các trường cao đẳng, đại học cũng như các trường phổ thông đánh giá năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.
Thực trạng quản lý hoạt động dạy học tiếng Anh ở trường THCS đã được thực hiện tương đối chặt chẽ, đặc biệt là hồ sơ dạy học. Các nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Hoạt động dạy học tiếng Anh đã được thực hiện tương đối đa dạng bằng việc sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sử dụng mô hình tiếng Anh cộng đồng, kết hợp các hình thức, phương pháp đánh giá định tính với đánh giá định lượng, đánh giá thời điểm và đánh giá quá trình.
Tuy vậy, giáo viên còn tuân thủ nghiêm ngặt các hoạt động được thiết kế trong sách giáo khoa, chưa có sự linh hoạt và mềm dẻo, vì vậy chưa phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh.
Việc sử dụng quy trình cũng như kỹ thuật dạy học cá nhân kết hợp với dạy học hợp tác, dạy học phân hóa còn có những hạn chế nhất định. Hình thức đánh giá quá trình chưa được thực hiện rõ nét, quan tâm nhiều đến thành tích hơn là phát triển năng lực học tập cho học sinh; rèn kỹ năng đọc - viết nhiều hơn là kỹ năng nghe - nói.
Năng lực tự học tiếng Anh của học sinh được đánh giá chủ yếu ở mức độ trung bình. Nhìn chung, học sinh nắm được kiến thức cơ bản về ngữ pháp, từ vựng; thực hiện các bài đọc hiểu như đọc và trả lời câu hỏi; đọc và lựa chọn đáp án đúng; đọc và điền từ…; hoàn thành bài tập sắp xếp các từ xáo trộn thành câu, viết lại câu, viết đoạn văn.
Học sinh còn mắc nhiều lỗi về ngữ pháp và từ vựng hoặc bỏ qua bài viết, hạn chế về năng lực nghe hiểu, năng lực thuyết trình, giao tiếp và viết bài luận. Các em tự học trong điều kiện đa phương tiện còn nhiều hạn chế. Phần lớn học sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo viên giao hoặc gắn với điểm số. Số ít học sinh yêu thích môn tiếng Anh mới tự giác hoàn thành bài tập, tham khảo tài liệu.
Ảnh minh họa.ITN. |
Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nói rằng giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo viên phải có năng lực sư phạm mới đáp ứng chương trình này.
Chia sẻ quan điểm trên, theo cô Vũ Thị Trang, vượt qua thách thức này, vấn đề cốt lõi vẫn là “tự học”, “tự đào tạo” để nâng chuẩn và đáp ứng chuẩn. Cô Trang mong muốn bộ ngành tạo điều kiện và tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng để nâng cao nghiệp vụ của giáo viên.
Đồng thời, đề ra nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo giáo viên học tập đạt chuẩn, nâng chuẩn, hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện theo lộ trình đổi mới. Mỗi năm, Sở GD&ĐT đều có những lớp bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Về phía các nhà trường, để đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, cần phải bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học…
Cụ thể: Cấp tiểu học yêu cầu các trường phải có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ.
Cấp THCS yêu cầu các trường có các loại phòng học bộ môn tin học, công nghệ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, giáo dục công nghệ.
Cấp THPT yêu cầu có các loại phòng bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lí, Sinh học, Hóa học, Ngoại ngữ.