Theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn, bộ sách "Kết nối Tri thức với cuộc sống", chủ trương phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa vốn nhằm tạo thuận lợi cho học sinh khi đọc thành tiếng, nhất là học sinh cấp tiểu học.
Chủ trương phiên âm đã tồn tại từ lâu, không chỉ trong sách giáo khoa mà cả trên báo chí và nhiều loại văn bản khác. Khi ngoại ngữ vẫn chưa được dạy phổ biến, phần đông người học trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, đất nước chưa hội nhập sâu rộng với thế giới thì chủ trương này có phần có lý.
Tuy nhiên, việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa hiện bộc lộ nhiều bất cập. "Khi biên soạn sách giáo khoa mới, chúng tôi rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Nhưng quy định chính tả hiện nay của các cơ quan chức năng khiến ý muốn đó không thực hiện được", PGS.TS Hùng nói.
Tất cả tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng), kể cả sách giáo khoa cho học sinh trung học. Việc quy định phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa tiểu học đã bất cập, trong sách trung học lại càng bất cập hơn.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cách phiên âm trong tiếng Việt có bốn phương án: Phiên ra cách đọc và chuyển sang cách viết của tiếng Việt; dịch nghĩa; chuyển tự và để nguyên dạng. Mỗi phương án đều có tính hợp lý và thuận tiện riêng nhưng xu hướng hiện đại là tôn trọng cách viết nguyên dạng.
Ông cho rằng không nên câu nệ việc đọc mà nên căn cứ vào giao tiếp văn bản. Về mặt giáo dục, các nhà trường quan niệm học sinh chưa làm quen được với tên nước ngoài nguyên dạng nên phiên cách đọc để các em vừa đọc và vừa viết được. Nhưng việc này cũng bất hợp lý ở chỗ, lên đại học làm quen với cách viết hiện đại, các em lại phải có sự liên tưởng, nhiều khi bị rối loạn, không nhận diện được.
Hai chuyên gia có chung đề xuất tên riêng nước ngoài nên ghi nguyên dạng trong sách giáo khoa và mở ngoặc đơn đưa ra một đề xuất về cách đọc, để nếu học sinh cần đọc thì có dữ liệu tham khảo. Cấp tiểu học có thể tạm thời áp dụng quy định phiên âm tên riêng nước ngoài, nhưng từ lớp 6 đến lớp 12 thì không cần, thậm chí không được phép phiên âm.
"Nên tính tới tính hợp lý và xu hướng chung trong việc xử lý văn bản của các ngôn ngữ trên thế giới để tiếng Việt cũng có cách giải quyết không lạc hậu và không lạc điệu", PGS.TS Tình nói.