Có phúc cho con biết lội (bơi)

Phạm Anh Xuân | 15/07/2021, 14:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Người nhà quê truyền đời nhau câu nói: Có phúc cho con biết lội. Ý muốn nói bơi là cực kỳ quan trọng - là cái phúc để con trẻ tồn tại trong điều kiện tự nhiên vốn nhiều rủi ro.

Truyền đời "bơi chó"

Nhiều năm qua tôi vẫn băn khoăn: Tại sao một đất nước có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch như Việt Nam mà trẻ con lại thiếu kỹ năng bơi?

Quê tôi vùng trung du, trước nhà có hai hồ nước lớn. Khi còn bé, có lẽ chỉ ngoại trừ ngày đông tháng giá là lũ trẻ chúng tôi không bơi lội. Còn lại đặc biệt vào những ngày hè, “tắm ao” đã trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên. Vì đó vừa là trò chơi đùa nghịch ngợm, vừa là cách người lớn cũng như trẻ con làm mát và làm sạch cơ thể sau những rơn chạy rông hoặc đi làm đồng, làm nương vỗ vã mồ hôi.

boi-loi3.jpeg
Bơi là kỹ năng vô cùng quan trọng. Ảnh minh hoạ.

Cách bơi kiểu nhà quê chủ yếu là “bơi chó” - tức là bơi ngẩng đầu. Kỹ năng này hình thành là bởi thời gian khó thì lấy đâu ra kính bơi. Thêm nữa thì kỹ năng bơi này cốt lõi là để chơi và đặc biệt là để tồn tại - vừa bơi vừa quan sát để không chết đuối trong nước, nhất là mùa lũ lụt.

Người nhà quê truyền đời nhau câu nói: Có phúc cho con biết lội. Ý muốn nói bơi là cực kỳ quan trọng - là cái phúc để con trẻ tồn tại trong điều kiện tự nhiên vốn nhiều rủi ro vì Việt Nam có nhiều biển hồ, sông ngòi, kênh rạch. Từ sự dăn dạy này mà lũ trẻ chúng tôi thường được người lớn hoặc tự tay chặt những cây chuối, lấy những cái can vứt xuống ao rồi bám vào đó mà tập bơi.

Có khi người lớn dạy trẻ con, trẻ con dạy lẫn nhau, đứa biết bơi dạy đứa chưa biết. Cứ như vậy, các thế hệ người dân quê tôi hầu như ai cũng biết bơi, còn hai cái ao thì “ma nước” chẳng thể nào dìm được ai.

boi-loi2.jpeg
Nhiều trẻ vùng quê không thể tự học bơi. Ảnh minh hoạ.

Chưa thành Luật bởi khó... khả thi?

Thời nay, ngoại trừ số ít trẻ con ở sát biển và trẻ con thành phố có dịch vụ bể bơi để học bơi thì hầu hết trẻ con các vùng quê đã không thể tự học bơi. Lý do là các ao hồ hoặc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; hoặc đã tư nhân hóa quản lý và việc bơi ở đây bị hạn chế.

Thế nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao bơi lội là “cái phúc”, là kỹ năng cực kỳ quan trọng và tối cần thiết cho trẻ con lại bị bỏ ngỏ, mặc dù giáo dục thể chất lại là yêu cầu bắt buộc?

Còn nhớ năm 2005 khi là phóng viên thể thao tham dự kỳ SeaGames tại Philippines, tôi có tìm hiểu về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện này. Ban Tổ chức nước chủ nhà khi đó cho biết: Hệ thống trường học cùng các cung thể thao của Philippines đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của SeaGames - ngoại trừ môn bắn súng là phải mượn trường bắn của Hải quân Mỹ đồn trú tại đây.

Khi tìm hiểu về hoạt động giáo dục thể chất của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi được biết: Bơi lội là bộ môn bắt buộc của giáo dục thể chất cho trẻ trong nhà trường.

Tại Việt Nam, trong kỳ sửa đổi Luật Thể dục, thể thao gần nhất; mặc dù rất nhiều ý kiến cho rằng: Cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường. Thậm chí quan điểm này cũng được chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bởi Ủy ban này nhận thấy: Bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Thế nhưng khi thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì quy định này trong Luật lại tiếp tục bị bỏ ra ngoài vì lý do… khó khả thi.

boi-loi1.jpeg
Kỹ năng bơi lội vẫn hoàn toàn bị xóa trắng. Ảnh minh hoạ.

Lấp đầy "khoảng trống phi lý"

Nói như vậy để thấy “khoảng trống phi lý” trong hoạt động giáo dục thể chất - trong đó đặc biệt là kỹ năng bơi lội vẫn hoàn toàn bị xóa trắng.

Vậy liệu có giải pháp khả thi nào trong chính điều kiện hiện nay để có thể dạy bơi - kỹ năng sinh tồn cho trẻ? Tôi cho rằng là có và không khó.

Như đã nói ở trên, Việt Nam có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch. Đây chính là “nguồn lực tự nhiên” cùng với “nguồn lực nhân tạo” là hệ thống bể bơi, cung bơi lội - bao gồm cả hệ thống bể bơi của lực lượng quân đội. Tôi tin rằng chỉ cần phối hợp tổ chức và cơ cấu lại thì nguồn lực này sẽ trở nên dồi dào.

Về nguồn lực con người, cùng với nguồn lực sẵn có là giáo viên thể chất của các trường, thì từ trung ương đến địa phương đều có cán bộ thể chất, hệ thống huấn luyện viên, vận động viên - gồm cả nguồn huấn luyện viên bơi lội của quân đội.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu các khớp nối này liên kết lại thì việc dạy bơi là hoàn toàn khả thi. Hoặc chí ít là từng địa phương, từng khu vực tùy thuộc hoàn cảnh sẽ cải thiện đáng kể hoạt động này.

Rõ ràng là trẻ con có sinh tồn thì mới có phát triển; có mạnh mẽ về thể lực thì mới mong phát triển trí lực; có thể thao học đường và thể thao phong trào thì thể thao chuyên nghiệp, thể thao đỉnh cao và thể thao quân đội mới có nền tảng để nâng cao.

Mấu chốt của bơi lội - kỹ năng sinh tồn ở trẻ có phát triển được hay không phụ thuộc chủ yếu vào ý thức trách nhiệm của người lớn mà thôi.

Bài liên quan
Những bức ảnh nóng bỏng dàn người đẹp Hà thành tập luyện tại nhà
Biên tập viên Mai Ngọc, cá sấu chúa Quỳnh Nga, hay Huyền Lizzie, Lã Thanh Huyền... là những người đẹp Hà thành luyện tập tại nhà có được vóc dáng vạn người mê.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có phúc cho con biết lội (bơi)