Đất học Lạc Đạo sản sinh "chân nho - đại thủ bút"

Trần Hoà | 27/06/2022, 08:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ nổi tiếng với rượu ngon, Lạc Đạo còn được biết đến là đất học với 11 đại khoa. Trong đó, có một Trạng nguyên nổi danh với lời châu phê của vua: Chân nho - đại thủ bút.

Trong bài thi đình đối của ông lại kết thúc bằng thuyết Nhân - Nghĩa, nghĩa là việc giáo dục con người sống có đạo đức “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con”. Ngày nay, các tác phẩm mà ông trích dẫn qua bản dịch thống kê sơ bộ có gần 30 tác phẩm.

Trạng nguyên Dương Phúc Tư từng làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, được vua phong Tử khanh Thiếu bảo, Dương tướng công. Về sau Dương Phúc Tư từ quan đi dạy học ở Cổ Thiết, Sơn Tây.

Là bậc chân nho văn võ song toàn, một thầy dạy học lỗi lạc, học trò của Trạng nguyên Dương Phúc Tư có nhiều người đỗ cao. Trong đó có Phạm Trấn, người xã Lam Cầu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đỗ Trạng nguyên, khoa thi năm Bính Thìn (1556).

Sau này, Trạng nguyên Dương Phúc Tư về quê sinh sống và mất khi mới 59 tuổi. Mộ ông được táng tại gò Mả Cả ở thôn Ngọc. Di văn của ông còn lại một bài văn đình đối và tập thơ “Độc sử thi phả” hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Đời sau con cháu tôn Trạng nguyên Dương Phúc Tư là thủy tổ của họ Dương xã Lạc Đạo. Kế thừa đạo học của Trạng nguyên Dương Phúc Tư, họ Dương đã sinh thành những bậc quý hiển danh gia, làm nên sự nghiệp vẻ vang, mang tiếng thơm về cho dòng họ.

Từ thế kỷ thứ 16 đến hết thế kỷ 18 là thời kỳ họ Dương ở Lạc Đạo rất thịnh vượng về khoa cử. Tính từ năm 1547 – 1754, họ Dương nơi đây có 9 người đỗ đại khoa, gồm: Dương Phúc Tư, Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Khuông, Dương Hạo, Dương Lệ, Dương Công Thụ, Dương Khiêm, Dương Sử.

Dòng họ khoa bảng

Lạc Đạo: Sản sinh 'chân nho - đại thủ bút' ảnh 2
Lạc Đạo có 11 vị đại khoa.

Dương Thuần đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Lê. Làm quan trải các chức Giám sát cấp sự đô, Cấp sự tự khanh thừa sứ. Đến năm Ất Mùi được thăng Hữu Thị lang bộ Hộ, Thừa chính sứ Sơn Nam, thăng chức Tả thị lang Bộ Lại, tước Nho Lâm bá. Ông là cháu của Dương Phúc Tư, và là cha của Tiến sĩ Dương Hạo.

Dương Hoàng tên tự là Nhã Chính, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa (1637) đời Lê. Ông là người cường tráng lại giỏi văn nên được cử đi quản lý quân ở Cao Bằng và Thuận Quảng.

Do lập công lớn, được vua ban khen, sau khi mất được triều đình cấp tiền, lệnh cho nhân dân địa phương làm lễ mai táng. Ông làm tới chức Tả thị lang Công bộ, tước Thọ Lâm hầu, tặng Thượng thư. Ông là cháu của Dương Phúc Tư, là em Tiến sĩ Dương Thuần và là chú của Dương Hạo.

Dương Hạo hiệu là Mẫn Giản, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa (1640). Ông làm quan trải qua nhiều chức vụ cao, nhiều lần được cử đi giám sát các trường thi như Sơn Tây, Sơn Nam. Khi mất được vua sửa lễ phúng 250 quan tiền.

Dương Quán đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh. Làm quan đến Giám sát ngự sử, là cháu đời thứ 6 của Dương Phúc Tư.

Dương Công Thụ đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), niên hiệu Vĩnh Khánh. Làm đến Tả thị lang Lại bộ. Ông được bao phong là Phúc thần, gia tặng là Văn ý Đoan chính, Thuận An Lạc Đạo đại vương…

Hiện nay trên mộ của ông vẫn còn một tấm bia thần đạo ca ngợi công lao, nội dung có đoạn: “…Tiếng tăm tốt đẹp vang dội khắp nơi, là người thân tín trong phủ chúa, được phân giúp đỡ Thế tử học tập trau dồi. Văn chương đạo đức đứng hàng đầu một thời. Nhà nghèo mà trách nhiệm thì nặng”.

Hai anh em Dương Sử và Dương Khiêm cùng đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng. Dương Sử giữ chức Tự khanh đông các đại học sĩ, là người học rộng văn tài nên đương thời có câu: “Dục tảo khoa danh cử, tất đãi Dương Sử công”.

Dòng họ Dương đi định cư khắp nơi. Ở xã Phú Thị, huyện Châu Giang (nay là xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) có chi Dương Duy Thanh đỗ cử nhân. Ông từng làm Đốc học Hà Nội, và các cháu chắt là Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán, Dương Bích Liên… đều là dòng họ Dương Phúc Tư.

Phần ghi chép về quan tước trong dòng họ Dương còn có: 2 Quận công, 9 tước Hầu, 2 tước Nam, 9 tước Bá, 3 tước Tử, 3 Đại vương, 5 Thượng thư, 2 Thái phó, 1 Thiếu phó, 2 Thái bảo và 1 Thiếu bảo.

Hiện trong nhà thờ của Trạng nguyên Dương Phúc Tư vẫn còn lưu tấm hoành phi “Trạng nguyên từ” cùng nhiều câu đối hay. Trong đó có câu: Tiên tổ Trạng nguyên, thanh thế công danh vang triều Mạc/ Hậu sinh Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng hiển Dương gia.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Hành Thiện và huyền tích cá chép vượt vũ môn
Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất học Lạc Đạo sản sinh "chân nho - đại thủ bút"