Trao quyền chủ động
Sau thời gian dạy học theo mô hình “2 trong 1”, cô Thơ nhận thấy có một số bất cập. Cô phân tích, bản chất lớp học online và truyền thống rất khác nhau nên việc soạn bài, điều hành, giảng dạy của giáo viên cũng phải khác. Vì thế, khi tích hợp 2 mô hình này vào một khiến giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn. Về phía giáo viên, nếu chú trọng vào trò trên lớp thì vô hình trung “bỏ quên” các em học online. Tuy nhiên, để cân bằng sẽ rất khó, vì thực chất giáo viên cũng phải phân thân và liên tục “vào vai” khác nhau.
Về phía học sinh, các em sẽ khó tiếp cận bài giảng hơn. Có học sinh tâm sự, không nhìn rõ nội dung bài giảng của giáo viên trên lớp. Bởi thực tế, không phải giáo viên nào cũng có thể linh hoạt đến mức: Vừa giảng bài trên lớp, vừa chia sẻ slide liên tục, vì có những lúc thầy/cô phải ghi trên bảng hoặc di chuyển trong lớp. Đấy là chưa kể đường truyền Internet của học sinh hoặc nhà trường không ổn định. Nhiều học sinh học trực tuyến ở nhà cho biết, nhiều lúc “căng mắt” cũng không nhìn rõ giáo viên viết gì trên bảng.
“Có trường hợp, giáo viên là F0 nhưng vẫn phải dạy học vì không có người dạy thay. Việc này dẫn đến: Học sinh đến trường để học trực tiếp nhưng giáo viên thì dạy online ở nhà. Nếu thầy – trò dạy – học trực tuyến thì không vấn đề gì vì hình thức này đã trở nên quen thuộc. Nhưng việc cô dạy học online ở nhà, trong khi 20 – 30 học sinh học trên lớp và nghe cô giảng bài qua Zoom sẽ khó hiệu quả; vì nhiều bạn mất trật tự, đó là chưa kể đến những tạp âm nên không thể nghe rõ giáo viên nói gì” – cô Thơ trao đổi.
Theo cô Trần Thị Nga – giáo viên Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), trước đây dạy học trực tuyến đã khiến cho nhiều giáo viên vất vả vì vừa phải làm giáo án điện tử, vừa phải phân bổ thời lượng học sao cho hợp lý. Nay khi dạy học theo mô hình “2 trong 1” khiến áp lực nhân đôi vì phải chuẩn bị thêm cả bài giảng trực tiếp. Ngoài ra, có những thầy cô dạy nhiều khối lớp với đối tượng khác nhau. Việc liên tục đảm nhiệm “nhiều vai” khiến giáo viên khó tập trung giảng dạy.
Từ thực tế, cô Lê Thị Thơ đề xuất nhà trường kêu gọi giáo viên tình nguyện dạy online miễn phí cho học trò. Tức là nếu buổi chiều, giáo viên nào không có giờ lên lớp, có thể dành 1 - 2 tiếng để dạy trực tuyến cho học sinh F0, F1, giúp các em củng cố kiến thức bài học, quan trọng là để các em không bị thiệt thòi. Trường hợp giáo viên bị F0, có thể bố trí tiết dạy của giáo viên đó sang buổi chiều hoặc tối để cô – trò cùng dạy – học trực tuyến. Với những lớp có nhiều F0, F1 có thể chuyển hoàn toàn sang dạy – học trực tuyến để đỡ vất vả cho thầy – trò. “Muốn vậy, giáo viên, nhà trường phải được trao quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn, quyết định hình thức dạy học phù hợp” – cô Thơ bày tỏ.