Đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đây là vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đưa ra trong kết luận phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý GV mầm non, phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên giải trình.Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên giải trình.

Từ những vấn đề đặt ra trong phiên giải trình, trong phát biểu kết luận, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất nhận thức, quan điểm, có giải pháp dứt điểm, hữu hiệu để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29.

Chỉ đạo hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, đặc biệt xây dựng Luật Nhà giáo, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Thống nhất với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc xác định biên chế nhà giáo; điều chỉnh cách tính định biên phù hợp với địa bàn, vùng miền; phù hợp xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực. Thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ nhà giáo làm cơ sở hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu, chiến lược, phát triển đội ngũ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,... bảo đảm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng.

Rà soát, sắp xếp các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục. Tập trung đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm.

Có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật,...).

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ. Phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm chính sách luân chuyển giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa đã đủ thời gian công tác theo quy định, tuyệt đối tránh tiêu cực, gây tâm lý bất an trong đội ngũ nhà giáo.

Phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý GV mầm non, phổ thông sáng 25/2.

Đối với Bộ Nội vụ, đề nghị được ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh là thống nhất quan điểm và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết triệt để vấn đề thiếu giáo viên, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhu cầu thực tế của ngành giáo dục. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế thu hút người giỏi vào ngành giáo dục.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư: Nghiên cứu để có các phương án đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát huy sự năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động giáo dục. Tăng cường việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm chế độ nhằm thu hút giáo viên giỏi. Bố trí đúng, đủ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, làm cơ sở để quy hoạch giáo viên; sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương. Thực hiện nghiêm chính sách luân chuyển với giáo viên công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Sau phiên họp này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban sẽ xây dựng kết luận phiên giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và vấn đề biên chế giáo viên.

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19”.

Phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hoạt động giải trình được chia thành 2 phiên:

Phiên 1 (Buổi sáng): Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông. Nội dung phiên này sẽ bàn đến 2 vấn đề: Biên chế giáo viên; Chính sách đối với nhà giáo.

Phiên 2 (Buổi chiều): Việc triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Nội dung phiên này sẽ bàn đến 2 vấn đề: Bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học; Vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi thư chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam
“Muốn khơi dậy, phát triển, tạo dựng các năng lực và phẩm chất của học sinh, trước tiên nhà giáo chúng ta phải có đầy đủ và có ở chiều sâu những điều đó trước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ trong thư gửi các thầy cô giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo