Đỉnh cao gốm Việt qua “Lá đề chim phượng” và bát sứ thấu quang hình rồng

Trần Hoà | 05/01/2022, 11:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong 23 bảo vật quốc gia mới được công nhận đợt 10, “lá đề chim phượng” và hai bát sứ ngự dụng thấu quang hình rồng đều phát xuất từ Hoàng thành Thăng Long.

Bảo vật quốc gia “Lá đề chim phượng” được tìm thấy tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội).Bảo vật quốc gia “Lá đề chim phượng” được tìm thấy tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội).

Độc bản “lá đề chim phượng”

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, “lá đề chim phượng” là hiện vật nguyên gốc, được tìm thấy tại Hố A20 Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) trong địa tầng ổn định.

Theo tài liệu nhóm tác giả nghiên cứu, lá đề gồm 2 phần - thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây bồ đề, hai mặt trang trí đôi chim phượng. Kích thước phần thân lá đề cao 77cm, điểm rộng nhất rộng 74cm.

Phần bệ lá đề có mặt cắt ngang uốn cong để khớp với ngói lợp bò nóc của mái. Giới nghiên cứu đoán định đây là một dạng ngói nóc có gắn lá đề. Đế lá đề rộng 65,5cm x 34cm, cao 13cm, lòng uốn cong sâu 8cm, dày trung bình 8cm. Khi mới xuất lộ, phần đế đã bị vỡ và mất một số mảnh, nay được phục nguyên.

Được đánh giá là một tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo, nhìn tổng thể hình chim phượng có nhiều nét giống công và trĩ. Chính sự sáng tạo của người thợ điêu khắc đã tạo ra sự khác biệt và nét đặc sắc cho hình tượng chim phượng thời Lý – Trần.

Các nhà khoa học khẳng định, bảo vật “lá đề chim phượng” được ra đời vào thế kỷ 11 và là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công - là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.

Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, lá đề cân cỡ lớn trang trí trên bờ nóc kiến trúc thời Lý - Trần từng được phát hiện ở các địa điểm: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chùa Long Đọi (Hà Nam), Tam Đường (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định), lăng Tư Phúc, Thái Lăng (Quảng Ninh), Nậm Dầu (Hà Giang).

Ở Hoàng thành Thăng Long, hiện có ít nhất 4 tiêu bản, trong đó có 3 tiêu bản trang trí phượng, 1 tiêu bản trang trí rồng. Tiêu bản rồng được phát hiện tại Khu E, tiêu bản này chỉ còn một số mảnh thân lá đề, không có mảnh bệ.

3 tiêu bản lá đề cân trang trí phượng, ngoài tiêu bản vừa trở thành bảo vật quốc gia còn có 2 tiêu bản khác được phát hiện tại hố A20 và A16 thuộc khu A. Các tiêu bản này có kích thước nhỏ hơn so với bảo vật quốc gia “lá đề chim phượng” thế kỷ 11, trang trí kém tinh xảo hơn và đều được cho là có niên đại thời Trần thế kỷ 13.

Phượng và rồng là những biểu tượng của hoàng gia, trong đó phượng thường được gắn với hoàng hậu, phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý.


3 hiện vật gốm sứ “lá đề chim phượng” và 2 bát sứ thấu quang khẳng định kỹ nghệ đỉnh cao của nghề gốm Việt.

Kỹ nghệ đỉnh cao

Bát sứ ngự dụng thấu quang hình rồng là bảo vật quốc gia, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những đồ sứ ngự dụng quý hiếm nhất của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học lớn trong lịch sử gốm cổ Việt Nam - bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long.

Hai bát sứ ngự dụng có mã số là A9-2714 và A22-3071 được phát hiện cùng với các hiện vật có niên đại thời Lê sơ thế kỷ 15 - 16, nằm trong lớp đổ lấp dòng chảy cổ, giữa khu A và khu B của công trường khai quật 18 Hoàng Diệu, phủ lên trên lớp đổ lấp này là một lớp bùn được hình thành bởi quá trình trầm lắng.

Mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 chiếc bát giống nhau. Bát có xương gốm mỏng như vỏ trứng, độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua, điều này cho thấy trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ rất tinh xảo.

Hoa văn là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ, giữa lòng bát in nổi một chữ 官 (Quan).

Rồng được thể hiện ở tư thế bay lượn, đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như bánh lái, vây dương cao, chân trong tư thế vận động đạp mây.

Các đặc điểm của thân, đầu, râu, trán, sừng, mắt… của rồng thể hiện theo tiêu chuẩn “9 giống” - tức là rồng có 9 đặc điểm giống với các con vật khác: Có bờm và trán nổi u, chân rồng 5 móng là thể hiện sức mạnh và tính biểu trưng cho quyền lực của thiên tử.

Các nhà nghiên cứu cho hay, chữ “Quan” in nổi giữa lòng bát là minh chứng tin cậy 2 chiếc bát sứ thấu quang là sản phẩm của lò quan, tức là lò do Quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình, không phải là sản phẩm tiến cúng hay nhập khẩu.

Hiện, loại bát sứ men trắng trang trí rồng có xương mỏng như 2 chiếc bát bảo vật quốc gia này chỉ được tìm thấy tại di tích Lam Kinh và Hoàng thành Thăng Long nhưng với số lượng rất hạn chế.

Tại Lam Kinh, khu lăng tẩm và thái miếu của triều Hậu Lê được nhiều người ví như kinh đô thứ 2 của nhà Hậu Lê cũng đã phát hiện được một số mảnh bát sứ trắng in nổi hình rồng 5 móng. Tuy nhiên, tất cả hiện vật phát hiện tại Lam Kinh đều bị vỡ, không hiện vật nào còn đủ mảnh để ghép đủ dáng.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, 2 chiếc bát này được chế tác bằng khuôn in trong và được nung đơn chiếc ở nhiệt độ rất cao khoảng trên 1.250 độ C. Khuôn in trong, hay còn gọi là kỹ thuật “ấn hoa” - dùng khuôn in để tạo hình hoa văn trên thai gốm trước khi phủ men.

Kỹ thuật này xuất hiện vào thời Lý tại lò Thăng Long và đã đưa lại một sức sống mới, mang tính sáng tạo nghệ thuật của đồ gốm men đơn sắc Việt Nam.

Bài liên quan
"Lạc hồn" với gốm Bát Tràng
Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời, còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đỉnh cao gốm Việt qua “Lá đề chim phượng” và bát sứ thấu quang hình rồng