Dòng họ người Tày lập kỳ tích ba đời đỗ tiến sĩ

Trần Hoà | 14/09/2022, 15:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dòng họ người Tày - ba đời liên tiếp với bốn người đỗ tiến sĩ - họ Thân ở trấn Kinh Bắc xưa đã để lại tiếng thơm muôn thuở.

Như vậy, 2 cha con họ Thân đã đỗ tiến sĩ chỉ cách nhau đúng một khoa giáp (3 năm). Điều thú vị ở đây là người con lại đỗ tiến sĩ trước người cha. Như vậy trong 21 năm (1469 - 1490), dòng họ Thân đã làm nên một kỳ tích khoa bảng xưa nay hiếm - khi cả cha - con, ông - cháu, chú - cháu cùng đỗ tiến sĩ.

Quan đồng triều, gội ân vinh

Dòng họ người Tày lập kỳ tích ba đời tiến sĩ  ảnh 2
Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn.

Sau khi được dự lễ ban yến ở triều đình dành cho những người đỗ đạt cao, Thám hoa Thân Cảnh Vân tiến hành nghi thức lạy tạ vinh quy.

Ông vinh quy bái tổ về quê Yên Ninh, bà con trong họ ngoài làng tổ chức nghi lễ hết sức long trọng để đón rước quan tân khoa thứ 5 của làng quê khoa bảng.

Sau đó ít ngày, ông tạm biệt gia đình, họ mạc và quê hương để hồi triều thi hành công vụ.

Thám hoa Thân Cảnh Vân làm quan ở chức Thị lang trong triều, cùng làm việc với ông nội là Thân Nhân Trung, với chú ruột là Thân Nhân Vũ, sau nữa là với cha Thân Nhân Tín và các quan đồng hương là Nguyễn Kính, Ngô Văn Cảnh, Đỗ Văn Quýnh.

Như vậy, cha, con, ông, cháu Thám hoa Thân Cảnh Vân trước sau có tới 4 người đỗ đại khoa và làm quan cùng triều.

Trước cảnh thịnh đạt ấy của gia đình họ Thân, vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi: “Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh” (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/ Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh).

Vào đầu thế kỷ 16 - thời gian quan Thị lang Thân Cảnh Vân còn đảm trách công vụ cho triều đình nhà Lê, nhưng những mâu thuẫn nội tại của chế độ này đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào khởi nghĩa nông dân và những cuộc xung đột triền miên giữa các phe phái phong kiến.

Quốc gia phong kiến bước vào giai đoạn suy yếu kéo dài. Theo vết các vương triều phong kiến trước đây, triều Lê sau một thời gian nắm quyền chính đã trở nên thoái hóa.

Tầng lớp thống trị nhà Lê sống rất xa hoa, trụy lạc. Triều đình và bộ máy quan lại ngày càng hủ bại, mục ruỗng. Bên cạnh đó, các cuộc tranh giành, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái diễn ra gay gắt. Kết cục thì chỉ làm tăng thêm nỗi thống khổ đối với người dân.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung thắng thế, phế truất vương triều Lê, lập ra triều Mạc. Họ Mạc cũng chỉ vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi nên không thể thống nhất quốc gia. Trái lại chỉ làm gay gắt thêm các mối xung đột và dẫn đến hệ quả cát cứ, nội chiến kéo dài.

Trước thực trạng ấy, ông cháu Thám hoa Thân Cảnh Vân không khỏi chán chường. Năm Tân Mão (1531), đời Mạc Đăng Dung - sau hơn 40 năm tận lực phục vụ nhà Lê, Thân Cảnh Vân qua đời ở 68 tuổi. Từ đó đến hết thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn sau này, họ Thân không có ai theo con đường khoa bảng để phục vụ triều đình phong kiến.

Noi gương dòng họ Thân, người vùng làng Nếnh ra sức học hành. Theo sử sách, thời kỳ phong kiến - quê hương của Thân Nhân Trung có tới 10 sĩ tử đỗ đại khoa với những tên tuổi nổi danh: Nguyễn Lễ Kính - đỗ Đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475); Ngô Văn Cảnh - đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481); Đỗ Văn Quýnh - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520); Doãn Đại Hiệu - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541); Nguyễn Nghĩa Lập - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1553)…

Người khép lại truyền thống khoa bảng của làng là Hoàng Công Phụ - đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) khi đã 53 tuổi. Vì có công làm việc nghĩa, dẹp giặc cỏ nên Hoàng Công Phụ được triều đình vinh phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Tử. Năm Canh Dần thứ 6 (1642), ông kiêm thêm chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp, sau làm đến Binh Bộ Tả thị lang

Làng Nếnh xưa có nghè Nếnh để phụng thờ những nhà khoa bảng của quê hương. Ngôi nghè đã đi vào ca dao, tục ngữ: Thứ nhất phủ Xa/ Thứ nhì nghè Nếnh.

Tại đền thờ các vị tiến sĩ của làng, hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng đều tổ chức lễ tưởng niệm. Do không có đủ tư liệu về ngày mất của các vị đại khoa nên làng Yên Ninh lấy ngày 14/11 (ngày mất của Thân Nhân Trung) là ngày giỗ chung của 10 vị tiến sĩ.

Ghi nhớ công lao của danh nhân Thân Nhân Trung, từ năm 2015 tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đền thờ. Từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2023, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài khoa học về khai thác giá trị di tích đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung trong phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, giáo dục.

Bài liên quan
Nữ sinh người Tày và con đường đến giải Nhất quốc gia
Vượt hơn 100 km đi thi, trở thành học sinh duy nhất của huyện vùng cao Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đỗ THPT chuyên Bắc Giang (2019 - 2020) và 3 năm sau Hoàng Thanh Huyền giành giải Nhất quốc gia môn Tiếng Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dòng họ người Tày lập kỳ tích ba đời đỗ tiến sĩ