4V Việt Nam ra đời với sứ mệnh góp phần giảm thiểu rác thải thời trang, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu dùng ngành công nghiệp may mặc. Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua chương trình ASEAN Social Impact Program thuộc Đại học Fulbright Việt Nam.
Dự án đặt mục đích trao cơ hội cho 50 nghệ sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội sáng tạo và triển lãm tác phẩm nghệ thuật trên toan tranh được ghép từ vải vụn. Bên cạnh đó là bán tác phẩm tranh vẽ trên vải nhằm gây quỹ cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là công tác phủ xanh đồi trọc ở tỉnh Hà Giang.
Điều đặc biệt từ dự án này, đa số các nghệ sĩ tham gia đều thuộc thế hệ Gen Z - lứa tuổi chủ yếu từ 1998 - 2004, có cả những nghệ sĩ sinh năm 2006 và 2007. Trong đó có đến 50% nghệ sĩ trẻ là sinh viên các trường mỹ thuật và kiến trúc, số còn lại là sinh viên các trường tại Hà Nội có niềm đam mê với nghệ thuật.
Tuy là triển lãm của các nghệ sĩ trẻ nhưng “Lớp lớp Hà Nội” lại cho thấy sự chín chắn và không kém những già dặn trong thực hành nghệ thuật. Mỗi tác phẩm được trưng bày không chỉ thể hiện một thế giới, một cá tính, một phong cách riêng biệt mà còn làm nổi bật những băn khoăn lo lắng trước các tác động xấu đối với thiên nhiên môi trường sống.
Hơn 100kg vải bỏ đi, thay vì bị đốt bỏ họa sĩ trẻ đã biến chúng trở nên hữu ích. |
Bên cạnh đó là các bức hoạ lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và nhịp sống quen thuộc của Hà Nội. Dưới bàn tay biến hóa của nghệ sĩ, phố sá hiện nét cổ kính từ ngàn năm xen lẫn trong nhộn nhịp hiện đại. Thành quách rêu phong, những danh tích cũ trầm mặc, từng rặng cây, góc phố… cứ thế chồng lấn xếp đặt dọc ngang, đúng như tên của triển lãm “Lớp lớp Hà Nội”.
Công chúng cũng bị thu hút bởi những bức hoạ giản dị về cuộc sống đời thường của Hà Nội. Đó là gia đình, là những bữa ăn quần tụ hay đơn giản là những món ăn đường phố như trà đá, bánh mì… Qua những nét bình yên ấy, qua những bạo liệt của môi trường sống, các nghệ sĩ – có lẽ thầm nhủ, hoặc ẩn nhắn thông điệp tới công chúng về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng đối với môi trường và cảnh quan của Hà Nội.
“Theo ban tổ chức, ngoài “Lớp lớp Hà Nội” là workshop về tái chế vải ngay tại không gian của triển lãm. Bên cạnh đó là hoạt động bán đấu giá các tác phẩm nhằm gây quỹ ủng hộ cho chiến dịch tình nguyện. Lợi nhuận thu được từ hoạt động sẽ dùng để thực hiện chương trình trồng cây tại các điểm trường ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), đem đến môi trường học tập xanh, an toàn cho trẻ em vùng cao”.