Tranh của Hồng Ngọc, tuy gần gũi về đề tài, cấu trúc hình tượng và bố cục, kể cả bảng màu cũng hết sức quen thuộc, nhưng lại ứ đầy cảm xúc. Nổi bật trong tranh - thường chỉ có một, hai nhân vật - là một, hai đôi mắt mở to. Dường như Hồng Ngọc gởi gắm tất cả những điều mình muốn nói, muốn biểu hiện qua những “cửa sổ tâm hồn” này”.
Vẽ để chữa lành
Trong giới hội hoạ, việc vẽ bằng ngón tay không phải là hiếm, Võ Trịnh Biện là một hoạ sĩ như vậy, anh chuyên vẽ tranh bằng ngón tay trỏ và năm 2019 đã ra mắt triển lãm thứ 22 của mình. Anh chia sẻ rằng, bản thân sử dụng thủ pháp chuyển màu và “ép” màu lên tranh để hoàn thành các tác phẩm trừu tượng siêu thực.
Hay ở Huế, giới mộ điệu biết đến hoạ sĩ cao niên Nguyễn Văn Tuyên không sử dụng cọ vẽ hay bay kiểu truyền thống mà dùng ngón tay để cho ra những tác phẩm mờ sương như tranh thuỷ mặc. Bên cạnh đó còn Đoàn Việt Tiến - họa sĩ 4 lần nhận kỷ lục vẽ cùng lúc 2 bức tranh sơn dầu ngược kính bằng 10 đầu ngón tay với hình thức phân thân tâm thức trong thời gian nhanh nhất - 3 phút 40 giây.
Nhưng cũng phải thấy rằng đó là kỹ thuật – kỹ năng đã được tôi luyện lâu năm, còn với những hoạ sĩ mới vào nghề đó là việc rất khó. Tuy nhiên, Hồng Ngọc đã làm được và thành công trong những thăng hoa. Tất cả các đôi mắt của nhân vật trong tranh đều mở to, nhưng trạng thái cảm xúc của từng đôi mắt lại rất khác nhau. Không chỉ biểu hiện sự ngây thơ, hồn nhiên hay thánh thiện, những đôi mắt còn biểu hiện cả những lo lắng, những nỗi buồn ẩn sâu...
Những sắc thái biểu hiện cảm xúc này, hết sức dễ cảm nhận nơi từng người xem, nhưng rất khó dùng ngôn ngữ của lý trí để diễn đạt. Nói như họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh: “Với mẫu dáng thiếu nữ nhưng từ hình tượng đến bố cục màu và bố cục không gian, Hồng Ngọc không vẽ trùng lặp, mà mỗi bức tranh có sắc thái riêng, dễ đưa người xem đến cảm giác nhẹ nhàng, thích thú.
Hồng Ngọc tính ít bộc lộ, nhưng sống với nội tâm và sâu sắc trong ý nghĩ, tìm chính mình qua từng tác phẩm. Vì vậy, tranh Hồng Ngọc biểu cảm sự chân thật, dễ đi vào lòng người. Những ánh mắt nhân vật trong mỗi bức tranh, là tâm cảm của Ngọc”.
Một đặc trưng nữa, đó là tính biểu tượng và ước lệ đã giúp tôn tạo nhân vật nữ ở mức tối đa, mang lại tinh thần tự họa một cách rõ nét. Khi vẽ, Hồng Ngọc gần như tách mình ra khỏi thời điểm hiện tại để tìm được sự bình an cho tâm hồn ở thế giới của hội họa - nơi mà nữ hoạ sĩ tin rằng là dịu dàng nhất, để có thể tự do bày tỏ hết nỗi niềm của bản thân và chữa lành những thương tổn.
“Nữ hoạ sĩ trẻ ít tái hiện lại các hành động kịch tính, mà đi tìm sự trầm tư, sự quán chiếu vào bên trong chính mình. Ở đó có sự thăng hoa và thánh thiện. Ở đó có sự mơ mộng và tự do. Và trên hết, ở đó có những nỗi buồn đẹp. Để từ đây, Hồng Ngọc tìm thấy được lối nhỏ để vào hội họa, cũng là lối nhỏ để vào đời. Hơn 5 năm qua, Hồng Ngọc gần như dành toàn bộ thời gian để ngẫm ngợi và vẽ”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi