Cuối năm 1954, ông di cư sang Pháp. Ở Paris ông vẫn quyết tâm vẽ tranh sơn mài mặc dù rất khó khăn để tìm nguyên liệu và tạo được điều kiện khí hậu hợp lý cho sơn mài. Triển lãm năm 1961 tại Nice với 20 bức tranh sơn mài và 20 bức tranh lụa đã đánh dấu sự trở lại với hội họa của ông tại Pháp.
Trước khi chuyển sang sống tại Thụy Sĩ năm 1968, ông có 8 triển lãm cá nhân tại Tây Ban Nha, Pháp và Thụy Sĩ. Từ năm 1969 đến năm 1993, Trần Phúc Duyên có thêm 13 cuộc triển lãm cá nhân tại Pháp, Canada, Thụy Sĩ. Tại triển lãm cá nhân năm 1983, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên và duy nhất về tranh sơn mài của mình.
Những năm cuối đời, ông tu thiền hàng ngày khiến chất thiền như thấm vào và hiện hữu trong tranh với những khoảng trống vô thường. Ngày 9/9/1993, Trần Phúc Duyên từ giã cõi đời trong giấc ngủ khi vừa tròn tuổi 70.
Trên 100 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên sẽ được trưng bày. |
Giám tuyển triển lãm Ace Lê cho biết, cuộc đời và di sản của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên dường như được ấn định bởi chữ “duyên” - là một chuỗi giao ngộ của những số phận, dòng chảy lịch sử và chiều kích tư tưởng.
Tác phẩm 'Hoài cổ'. |
Khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ định mệnh của nhà sưu tập Phạm Lê và kho di sản bị lãng quên suốt nhiều thập kỷ tại Thụy Sĩ, đây là chặng cập bến của chuyến hồi hương kỳ diệu.
Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát và đồ sộ nhất, với hầu hết các tác phẩm lần đầu được ra mắt công chúng trong nước.
Và giao ngộ đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong kết hợp Đông - Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có trong sáng tác của Trần Phúc Duyên. Trưng bày bao gồm trên 100 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo.
Thiết kế triển lãm chia làm hai tầng, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống Đông Dương, Phong cảnh, Sinh vật cảnh, Thủy mặc, Trừu tượng, và Phúc niệm.
Trong số hàng chục tên tuổi của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu, như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Phạm Tăng… thì Trần Phúc Duyên là người duy nhất chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo, với mong muốn đưa kỹ thuật sơn mài ngang hàng với sơn dầu, giữ và quảng bá bản sắc ấy ra khắp châu Âu.
Bất chấp khoảng cách địa lý và thiếu thốn về tài nguyên, Trần Phúc Duyên dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm, sáng tạo với sơn mài và thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật. Ông được đánh giá là vầng trăng sáng về tài năng và lòng nghiêm cẩn với nghề.
“Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây” .
- Giám tuyển Ace Lê.