Gen Z Trung Quốc bỏ lên chùa vì vỡ mộng sau khi tốt nghiệp đại học

11/04/2023, 20:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Áp lực công việc và cuộc sống khiến nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đi làm chưa đầy một năm, quyết định bỏ việc để tìm về nơi thanh tịnh như chùa, đền.

Tham gia khóa tu ở chùa, tụng kinh online là xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào thời điểm "cao điểm" của dịch Covid-19 năm 2021, Lu Zi (hiện 25 tuổi) đã tìm được một công việc đáng ghen tị tại một công ty được coi là "gã khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Nhưng chỉ sau một năm làm việc, Lu từ bỏ tất cả để chuyển đến sống tại một ngôi chùa Phật giáo ở miền Đông Trung Quốc.

Giống như những người bạn cùng trang lứa, Lu từng có nhiều tham vọng và dành nhiều năm đại học để lên kế hoạch cho sự nghiệp. Nhưng chỉ sau 12 tháng làm công việc đầu tiên, cô cảm thấy bản thân cần nghỉ ngơi.

Cô gái 25 tuổi là một trong số nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp cảm thấy vỡ mộng hoặc kiệt sức. Họ quyết định tạm thời rút lui khỏi thị trường việc làm cạnh tranh để suy nghĩ lại về con đường của mình. Riêng bản thân Lu, cô dự kiến dành một năm sống tại chùa.

"Suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người ở độ tuổi của tôi rất lo lắng. Nhiều người chọn trụ lại với những công việc ổn định nhưng cũng có những người như tôi chỉ muốn tạm dừng và nghĩ lại về những điều bản thân thực sự mong muốn", Lu nói với SCMP.

khoa tu online anh 1

Lu Zi quyết định sống ở chùa trong một năm, làm các công việc hàng ngày cùng sư thầy, sư cô và tham gia các buổi giảng đạo. Ảnh: SCMP.

Đi chùa thành xu hướng

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại và bãi bỏ các quy định phòng dịch, những ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trở thành điểm đến phổ biến của người trẻ Trung Quốc. Giống như Lu, người trẻ tìm đến những nơi thanh tịnh để thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu may.

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com, kể từ đầu năm 2023, số lượng khách viếng thăm các ngôi chùa trên khắp Trung Quốc đã tăng 310% so với năm 2022. Gen Y và Gen Z chiếm hơn 1/2 lượng đặt chỗ.

Trước đây, các ngôi chùa, đền ở Trung Quốc chỉ đông người vào các lễ hội và ngày lễ lớn. Nhưng giờ đây, mọi việc đang dần thay đổi, vãn chùa trở thành một xu hướng mới đối với những người trẻ không muốn trở thành tăng ni nhưng muốn giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống thông qua lối sống Phật giáo hoặc Đạo giáo. Với nhiều người, vãn chùa cũng là một kiểu du ngoạn vào cuối tuần.

Lu Zi lại không coi việc lên chùa là du ngoạn. Trong nhiều tháng sống ở chùa, cô giúp đỡ các sư thầy, sư cô làm các công việc hàng ngày, tham gia các buổi giảng đạo. Bản thân cô nhận được sự hỗ trợ về cảm xúc và tinh thần thông qua những hoạt động đó.

Yao Fenfen (23 tuổi), sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cũng quyết định sẽ dành vài ngày sống tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi tìm hiểu các bài đăng trên mạng.

Đầu năm 2023, Yao bị sa thải nên muốn tận dụng thời gian rảnh để thư giãn và trải nghiệm nhiều hơn trước khi bắt đầu công việc mới.

Trong thời gian sống ở chùa, Yao quen thêm nhiều bạn mới. Nhiều người trong số đó bằng tuổi với Yao, cũng mới nghỉ việc, vô tình đọc được bài đăng về việc làm tình nguyện viên tại chùa nên tìm đến để trải nghiệm cuộc sống mới.

khoa tu online anh 2

Yao Fenfen dành vài ngày sống ở chùa sau khi mất việc. Ảnh: SCMP.

Mua đồ cầu may, tụng kinh trên điện thoại

Tại Trung Quốc, chùa Lama ở Bắc Kinh, hay còn được gọi là Ung Hòa cung, là một trong những ngôi chùa được viếng thăm nhiều nhất.

Chùa Lama được biết đến là nơi để cầu cho sự nghiệp phát triển nên nhiều tháng gần đây, du khách thường xuyên xếp hàng dài bên ngoài chùa, ngay cả vào các ngày trong tuần. Ước tính từ đầu tháng 3/2023, mỗi ngày chùa Lama đón khoảng 40.000 lượt khách.

Những người đi chùa thường ghé vào các cửa hàng đồ lưu niệm. Trung bình họ chi 200-1.000 nhân dân tệ (tương đương 29-145 USD) để mua các món đồ cầu may như chuỗi hạt. Nhu cầu mua các món đồ cầu may cao đến mức các sản phẩm này được bán lại trên các nền tảng mua sắm trực tuyến như Taobao và Xiaohongshu.

Các hoạt động như thắp hương, tụng kinh cũng xuất hiện dưới dạng ứng dụng trên nền tảng số và có sẵn bộ gõ mõ. Một phiên bản ứng dụng tụng kinh online trên điện thoại thu về hơn 5,7 triệu lượt tải, cho thấy nhiều người có xu hướng tìm đến hoạt động này mỗi khi bị căng thẳng.

Trên nền tảng Xiaohongshu, nhiều người trẻ cũng đăng tải các bài viết, hình ảnh, video chia sẻ về cuộc sống ở chùa. Hiện, nền tảng này có gần 900.000 bài đăng liên quan, hầu hết là bài đăng của người trẻ chia sẻ kinh nghiệm về những lần viếng thăm đền, chùa và cách tìm kiếm thông tin.

Trước những ý kiến chỉ trích, cho rằng giới trẻ đang "sai đường" trong việc xử lý áp lực, nhà bình luận Tian Wenzhi của Beijing Daily lại đưa ra cái nhìn thông cảm cho thế hệ trẻ, đồng thời cho rằng chúng ta nên hiểu những áp lực mà người trẻ đang phải đối mặt.

“Cuộc sống hối hả đầy bất trắc trong xã hội ngày nay đã tạo ra nhiều thách thức và lo lắng cho người trẻ tuổi - những người đang lo lắng về sự nghiệp và lựa chọn hôn nhân cũng như áp lực chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình", ông Tian Wenzhi bày tỏ sự thấu hiểu khi nói về những khó khăn mà nhiều người trẻ đang phải đối mặt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gen Z Trung Quốc bỏ lên chùa vì vỡ mộng sau khi tốt nghiệp đại học