Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng

Quốc Ngữ - Trường Tiến | 20/03/2023, 14:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đổi mới Chương trình, SGK Giáo dục phổ thông tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Dẫn đầu đoàn giám sát tác có đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Trung Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội,

Tham gia đoàn công tác có đại diện Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội…

Về phía Bộ GD&ĐT có đồng chí Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học; đồng chí Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Dân tộc; đại diện Vụ Giáo dục Trung học.

Tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Tô Ái Vang, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Triệu Thị Ngọc Diễm, Bí thư Tỉnh đoàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đại diện HĐND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu.

Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội cùng đoàn công tác giám sát tại Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3.

Nỗ lực vượt khó triển khai thành công Chương trình mới

Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã đến Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3. Trường Vĩnh Hải 3 được xây dựng từ năm 1996, tách từ Trường THCS Vĩnh Hải, sau đó tiếp tục sáp nhập TH Vĩnh Hải 5 và TH Vĩnh hải 1.

Hiện trường có 1 điểm chính tại ấp Âu Thọ A và 1 điểm lẻ tại ấp Âu Thọ B. Tính đến năm học 2022 - 2023 toàn trường có 3 cán bộ quản lý và 47/48 giáo viên đều đạt trình độ chuẩn (đại học), đảm bảo định mức biên chế là 1,48 giáo viên/ lớp; còn thiếu 1 giáo viên Tin học.

Tại buổi làm việc, đoàn đã lắng nghe lãnh đạo nhà trường cũng đại diện giáo viên các khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2 và lớp 3 chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới. Thầy cô giáo tại trường đã thẳng thắng chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng chuyên môn khi tổ chức thực hiện chương trình.

Theo thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Hải 3: Các phòng học xuống cấp chưa được xây dựng mới, trang bị thiết bị dạy học còn chậm, thiết bị còn thiếu, đang sử dụng một phần thiết bị cũ. Trường hiện có 33 phòng học/33 lớp đáp ứng được học 2 buổi/ngày từ lớp 1 đến lớp 5; vẫn còn thiếu các phòng học bộ môn, chỉ có 1 phòng tin học. Về thiết bị giảng dạy cơ bản đảm bảo mức tối thiểu theo yêu cầu lớp 1 và lớp 2 mới; riêng thiết bị lớp 3 chưa được cấp, nhà trường đang trưng dụng thiết bị của chương trình 2006.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của thầy cô giáo cùng ngành Giáo dục địa phương. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất tuy chưa đầy đủ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, người dân còn nhiều khó khăn, chưa thật sự quan tâm đến việc học của con, nhưng thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

Kiến nghị nhiều vấn đề

Làm việc tại Trường THCS Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Đoàn giám sát nhằm nắm tình hình triển khai Chương trình GDPT 2018 tại địa phương. Qua đó có căn cứ, cơ sở báo cáo tổng hợp chung về thực hiện chương trình, cũng như những điểm tích cực, hạn chế cần bổ sung. Đoàn mong muốn được lắng nghe từ ngành Giáo dục, nhà trường, thầy cô và học sinh.

Báo cáo triển khai Chương trình GDPT 2018, thầy Sơn Minh Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hiệp cho biết: Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội tại trường có nhiều thuận lợi. Đây là cơ sở để trường đề ra các giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương để triển khai thực hiện Chương trình, SGK GDPT theo đúng tiến độ.

Đối với chương trình GDPT 2018, kết quả đánh giá, xếp loại 76 học sinh lớp 6 cuối năm học 2021 - 2022 đạt được kết quả rèn luyện tốt 71 em, tỉ lệ 93,4%; khá 5 em, tỉ lệ 6,6%. Kết quả học tập, tốt 12 em, tỉ lệ 15,8%; khá 22 em, tỉ lệ 29%, đạt 42, tỉ lệ 55,2%.

Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng ảnh 2
Đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng đoàn giám sát trao đổi với giáo viên Trường THCS Vĩnh Hiệp.

Về cơ sở vật chất, trường Trường THCS Vĩnh Hiệp có 10 phòng học đáp ứng đủ 10 lớp đảm bảo thực hiện hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày. Có 1 phòng Tin học với 15 máy còn sử dụng được, 1 phòng Công nghệ - Lý, 1 phòng Hóa - Sinh, 1 phòng thư viện, 1 phòng Y tế. Nhìn chung, cơ bản đáp ứng thực hiện chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên nếu theo yêu cầu, trường vẫn còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng đa năng và khối phòng phục vụ công tác hành chính.

Khả năng đáp ứng về trang thiết bị dạy học, trường đã được cấp đầy đủ bộ đồ dùng thiết bị dạy học lớp 6 thực hiện Chương trình GDPT 2018, cùng với các đồ dùng dạy học trước đây còn sử dụng được, cơ bản cũng đáp ứng được khâu thực hiện Chương trình GDPT 2018 và 2006.

Theo thầy Sơn Minh Sang, một số tồn tại của nhà trường là cơ sở vật chất tuy có trang bị xây dựng nhưng còn thiếu so với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay như các phòng học bộ môn Ngoại ngữ, Nghệ thuật, phòng đa năng và khối phòng phục vụ công tác hành chính. Trường còn thiếu nhân viên chuyên môn: Văn thư, Thư viện, Y tế trường học, thiết bị thí nghiệm nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác hoạt động giáo dục chung của trường.

Cha mẹ học sinh đa số chưa quan tâm phối hợp giáo dục học sinh tốt, vì thế vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng theo gia đình đi làm ăn xa. Trình độ học tập của học sinh các lớp chưa đồng đều, phụ huynh chưa quản lý chặt chẽ việc học tập của con em nên ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh yếu của trường.

Nhà trường đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng đổi mới chương trình, SGK dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Bồi dưỡng nên bố trí vào dịp hè để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng sách khoa mới với giá thành rẻ.

Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng ảnh 3Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng ảnh 4
Đồng chí Đinh Công Sỹ và đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa làm việc tại điểm giám sát.

Sở, Phòng GD&ĐT cần quan tâm tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Đối với HĐND, UBND các cấp cần quan tâm chỉ đạo các ngành cùng phối hợp với ngành giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng nhận thức về việc học tập của con em được tốt hơn để góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường để duy trì và phát triển trường chuẩn Quốc gia.

Sau buổi giám sát, đồng chí Đinh Công Sỹ cho biết: Hoạt động giáo dục của nhà trường đã nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục và địa phương. Ghi nhận sự chủ động của nhà trường, giáo viên trong triển khai, xây dựng kế hoạch bài giảng với tinh thần tích cực.

Các em học sinh có tinh thần học tập hào hứng, thích thú với chương trình và nội dung trong SGK. Các tiết học hấp dẫn hơn, nhẹ nhàng hơn, kiến thức học trong lớp gắn với thực tiễn. Đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm, khắc phục khó khăn, tăng cường công tác chuyên môn của các tổ chuyên môn…

Bài liên quan
Khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập
Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị ban hành chính sách khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát thực hiện Chương trình mới tại tỉnh Sóc Trăng