Một bộ phận cán bộ quản lý chưa nghiên cứu sâu và tiếp cận đầy đủ một số văn bản mới liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một số giáo viên chưa quen với việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, còn ngại đổi mới, khả năng thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới chưa kịp thời.
Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Ban hành chính sách về tuyển dụng đội ngũ nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua để đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.
Kiến nghị cụ thể được tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: Chính phủ ban hành chính sách bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục; Chỉ đạo các bộ, ngành trung ương ban hành khung giá thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để làm cơ sở lập dự án mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học để giúp các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, SGK dành cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên. Ban hành các văn bản điều chỉnh giảm số lượng học sinh trên lớp nhằm giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động tăng cường tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình học tập.
Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cho giáo viên dạy liên trường; chính sách cho giáo viên được điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu để an tâm công tác. Ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án mua sắm thiết bị giáo dục. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng trong triển khai Chương trình, SGK mới. Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, chăm lo sự nghiệp Giáo dục nói chung và công tác triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông - địa phương cần kiên trì thực hiện; cần có quá trình để có sự thay đổi. Thời gian qua đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã có nhiều cố gắng thực hiện chương trình nên cần sự động viên, khích lệ đội ngũ. Việc triển khai Chương trình, SGK mới bên cạnh thuận lợi vẫn còn khó khăn, vướng mắc; do đó cần phát huy tính sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm.
Tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm vấn đề rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới giáo dục trên địa bàn. Bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Quan tâm học sinh dân tộc thiểu số, giáo dục vùng khó khăn. Huy động nguồn lực từ xã hội tạo thêm nguồn lực trong đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy, học.
Tỉnh cần chú trọng công tác phân luồng học sinh; quan tâm cơ cấu đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên phục vụ chương trình mới. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thường xuyên; hướng tới tự đào tạo, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu năng lực, trình độ. Chú ý công tác tuyên truyền, để người dân hiểu rõ việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội là chủ trương đúng đắn, kế thừa phát triển các chương trình trước. Việc đổi mới là phù hợp với thực tiễn, giúp học sinh phát triển toàn diện; dạy học linh hoạt, đa dạng, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản trong lãnh đạo chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo cơ chế, huy động nguồn lực trong công tác GD&ĐT. - Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.