Trong bài luận gửi hội đồng tuyển sinh, Tiến đề cập thực trạng phá rừng ở Quảng Nam, gây ra lũ lụt. Năm đó, anh nộp ba chương trình, đều liên quan đến lâm nghiệp. Nhưng vì thời gian chuẩn bị gấp rút, cùng với việc hồ sơ chưa dày dặn, anh bị từ chối. Liên tiếp nếm mùi thất bại, Tiến hoang mang, nghi ngờ khả năng của bản thân. "Khi so sánh với người khác, mình từng thấy bản thân không đến nỗi nào. Thế nhưng mình vẫn không làm được. Do mình không đủ giỏi hay do thiếu may mắn?", anh nhớ lại thời điểm khó khăn.
Nghĩ về nỗ lực đã bỏ ra và nhìn bạn bè đạt được nhiều thành quả, anh cũng tự hỏi "Chẳng lẽ cứ thất bại mãi?" và quyết định cho mình thêm cơ hội.
Lần này, anh đầu tư thời gian gấp bốn lần để hoàn thành hồ sơ, trau chuốt từng chi tiết. Khi hoàn thành bái báo khoa học và được đăng trong một hội thảo, Tiến giảm một nửa gánh nặng bởi đây vốn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Anh cũng quan tâm đến việc chọn người viết thư giới thiệu để thể hiện được nhiều khía cạnh của bản thân. Ngoài ra, anh tranh thủ học thêm các chứng chỉ online, dự án và hoạt động cộng đồng.
Trong lần thứ hai chinh phục Erasmus Mundus, Tiến chỉ nộp chương trình Lâm nghiệp châu Âu với tinh thần "liều ăn nhiều". Gần nửa đêm ngày cuối tháng 3, Tiến nhận email chúc mừng vì giành học bổng toàn phần. Anh vội vàng chia sẻ kết quả với bố mẹ, những người luôn ủng hộ anh theo đuổi điều mong muốn. Đêm đó, anh không thể chợp mắt vì quá sung sướng.
Thầy Bùi Thế Đồi, Phó hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, đồng thời là giáo viên phụ trách chương trình tiên tiến ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, ấn tượng với chất giọng của cậu học trò quê miền Trung ngay từ những ngày đầu. Thầy đánh giá Tiến năng nổ, không ngại khó hay nề hà việc gì. Đến khi trực tiếp đứng lớp, thầy Đồi cho rằng Tiến phát âm tiếng Anh chưa thực sự tốt nhưng tin tưởng học trò có thể tiến xa nếu được định hướng, chỉ bảo tốt.
Chứng kiến Tiến thất bại trong lần đầu và thành công giành học bổng ở lần nộp thứ hai, thầy giáo ghi nhận nỗ lực, sự kiên trì của học trò. "Tiến hay tham gia các hoạt động và dự án xã hội nên tôi nghĩ sau này em cũng phù hợp với những công việc nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững", thầy nói.
Hành trình du học của Tiến kéo dài hai năm tại sáu quốc gia châu Âu gồm Phần Lan, Đức, Áo, Pháp, Tây Ban Nha, Romania. Quá trình giành học bổng giúp anh hiểu khi theo đuổi mục tiêu chính luôn cần chuẩn bị phương án dự phòng, tránh để bản thân rơi vào tuyệt vọng. Sau khi hoàn thành chương trình, anh sẽ về Việt Nam, tiếp tục thực hiện các dự án cộng đồng để phát triển lâm nghiệp bền vững.
Mỗi lần đạp xe trên cung đường từ ký túc xá tới trường học, thi thoảng anh vẫn nhớ về rất nhiều thất bại đã trải qua. Niềm vui, sự thỏa mãn khi chinh phục thành công mục tiêu ấp ủ từ lâu đến với Tiến muộn 9 năm, kể từ lần đầu tiên trượt đại học. Thế nên với anh, thành quả này càng đẹp và đáng trân trọng gấp bội.