Giáo dục không có kỷ luật thì khó thành công

Hoài Thu | 05/10/2021, 09:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế, giáo viên ngày càng ít dám phê bình học sinh, lại càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới lớp làm ầm… Vậy, kỷ luật có nên sử dụng trong giáo dục hiện đại hay không?

Chương trình mẫu giáo ở Mỹ rất chú trọng rèn luyện cho trẻ tính kỉ luật

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Dung (Ellie Phương D. Nguyễn) - Giáo sư bậc 1 ĐH bang Oklahoma, Mỹ cho biết, tính kỉ luật là nền tảng để xây dựng tính tự chủ, tự giác và tập trung. Không có tính kỉ luật thì khó có thể làm gì thành công lâu dài.

"Thời điểm vàng để bắt đầu rèn luyện tính kỉ luật cho con là từ 3 đến 6 tuổi, khi các bé bắt đầu hiểu, ý thức được tính nguyên nhân và kết quả của những việc mình làm (causes & effects), đây cũng giai đoạn chủ chốt hình thành 80% tính cách của bé. Nếu bỏ qua giai đoạn sớm này thì càng về sau sẽ càng vất vả hơn trong việc rèn tính kỉ luật cho con, và nhiều khi trẻ phải tự mình trả giá đắt khi trưởng thành để học được bài học này", TS Phương Dung cho hay.

Theo TS Phương Dung, có 3 phương diện để xây dựng và duy trì càng sớm càng tốt: Sinh hoạt tập thể, sinh hoạt gia đình và hoạt động rèn luyện.

Đối với sinh hoạt tập thể, phụ huynh nên chú trọng chọn trường mẫu giáo (Day Care & Pre-school) có phương châm rèn tính kỉ luật cho trẻ với phương pháp cụ thể.

Nữ tiến sĩ phân tích: "Để thấy tính kỉ luật quan trọng thế nào hãy quan sát các chương trình mẫu giáo ở Mỹ rất chú trọng rèn tính kỉ luật này cho học sinh trong nếp sinh hoạt, vui chơi và tương tác với bạn bè từ lúc 2 tuổi.

Ví dụ, đến giờ ăn là trẻ ngồi yên một chỗ tự xúc ăn không rời khỏi bàn cho đến khi ăn xong. Đến hết giờ, nếu trẻ không ăn hết cũng phải ngưng đồng loạt nên là muốn ăn hết để khỏi đói thì phải lo ăn nhanh, đến giờ ngủ thì không nói chuyện và gây tiếng ồn dù không ngủ nằm yên đó cũng được cô không ép. Đến giờ học muốn phát biểu thì phải giơ tay và im lặng khi bạn khác nói.

Còn giờ chơi tự do theo phương pháp Montessori thì chơi gì tùy chọn nhưng chỉ bày ra trong diện tích cho phép của một cái khay hay một tấm thảm và chơi xong thì dọn dẹp cất lại đúng chỗ cũ mới được chơi cái khác. Nếu món nào bạn khác đang chơi thì phải chờ bạn chơi xong sẽ đến lượt mình chứ không giành giật. Cứ lặp đi lặp lại hằng ngày đều đặn như thế thì bé sẽ có tính kỉ luật tự nhiên như hơi thở và ý thức rõ lợi ích của việc tôn trọng kỉ luật".

Đối với sinh hoạt gia đình, trong giai đoạn 5 năm đầu đời của cả bé trai và bé gái thì ảnh hưởng của người mẹ vô cùng lớn - không ai bằng, kể cả bố. Vì theo tự nhiên thì mẹ luôn là thành trì, là điểm tựa tinh thần lớn nhất của bé trong giai đoạn dưới 5 tuổi. Không phải tự nhiên mà có câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại ông bà" vì thực ra mẹ hay ông bà chỉ là biểu tượng đại diện cho những người thường gần gũi và yêu chiều bé nhiều nhất.

"Mình quan sát thấy nhiều gia đình mà bé có thói quen xấu như trong việc ăn chẳng hạn, nếu chủ yếu chỉ là bố mắng rồi sau đó bay vào ôm mẹ để mẹ xoa, hay mẹ chỉ im lặng thì thật sự không hiệu quả lắm, đâu lại hoàn đó. Vì bé sẽ có xu hướng nghĩ đơn giản thế này: Nếu mình không ăn tốt hay mình làm việc này thì bố sẽ không thích và bố mắng/phạt, nên cách giải quyết là… mình sẽ nghỉ chơi bố hay không yêu bố nữa, có mẹ yêu mình rồi nên cần gì sửa đâu!

Còn nếu bố mẹ thay phiên nhau phạt chứ không chỉ có bố mắng là chủ yếu, hay tốt hơn mẹ là người chủ đạo trong việc này thì câu chuyện sẽ khác, lúc đó bé sẽ thấy việc mình làm là không vui vì không ai trong nhà hài lòng kể cả mẹ thì rõ ràng là không nên làm nữa", TS Dung chia sẻ.

Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về kỷ luật trong giáo dục - 1

TS Ellie Phương D. Nguyễn (trái) - Giáo sư bậc 1 Đại học bang Oklahoma, Mỹ.

Đối với hoạt động rèn luyện, các trò chơi hay những câu chuyện ngắn dạy bé về tính nhân - quả sẽ rất có ích để phát triển ý thức kỉ luật khi bé hiểu hành động thế này sẽ có kết quả thế kia. Hình phạt chỉ có tác dụng khi bé hiểu vì sao mình bị phạt và cần phải làm gì để lần sau không bị phạt nữa.

Nên trước khi phạt bố mẹ hãy yêu cầu bé tự nói ra nguyên nhân vì sao bố/mẹ phạt con, và con cần sửa thế nào. Chứ không thì bé chỉ đơn giản nghĩ là bị đánh thì đau, bị phạt thì buồn, còn quậy phá thế này thì vui nên cứ làm thôi, nên nói chung chả ăn nhập gì với nhau, có phạt mấy cũng thế, khóc xong bữa sau cũng lặp lại như cũ, không có tác dụng làm bé thay đổi gì cả!

Hình dưới đây minh họa cụ thể cho bài học về tính nguyên nhân và kết quả (causes & effects) nhằm tạo nền tảng cho việc dạy tính kỉ luật cho các bé lứa tuổi mẫu giáo ở Mỹ, bé sẽ chọn xem nguyên nhân nào (a hoặc b) dẫn đến kết quả minh họa trong từng hình vẽ.

Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về kỷ luật trong giáo dục - 2

Tính nguyên nhân và kết quả, cơ sở của tính kỷ luật trong giáo dục.

Bài liên quan
Sex Education: Phim giáo dục giới tính ăn khách trên Netflix
Sex Education - phim giáo dục giới tính dành cho thế hệ mới, tình dục được đề cập trực diện đến mức sống sượng nhưng là cách đối thoại hiệu quả với giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục không có kỷ luật thì khó thành công