“Học sinh trường chuyên học tập nặng, do đó khi triển khai mô hình câu lạc bộ, các em đón nhận nhiệt tình, chủ động, phụ huynh ủng hộ bởi xem đây như sân chơi giải tỏa áp lực học tập, tăng cường kiến thức, kỹ năng theo một hình thức khác. Qua đây, các em cũng được trải nghiệm ngay kiến thức học trên lớp vào thực tế; phát triển năng khiếu văn hóa nghệ thuật, thể thao… Làm tốt hoạt động này, học sinh trường chuyên không chỉ biết tới kiến thức, trở thành ‘gà công nghiệp’ mà còn được phát triển cả những năng khiếu, sở thích… ngoài kiến thức…”, thầy Hiệu trưởng Trần Quang Hồng trao đổi.
Lê Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Em thích câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật vì thỏa niềm đam mê ca hát, nhảy múa, làm MC. Tham gia câu lạc bộ, em giảm được những áp lực, căng thẳng của việc học tập. Mặt khác, được thể hiện năng khiếu, sở trường, hình thành sự tự tin trước đám đông… Rất nhiều năng lượng tích cực em thu nhận được khi tham gia câu lạc bộ.
Học sinh Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự biên tự diễn các tiết mục văn nghệ. Ảnh: NTCC |
Khẳng định sự cần thiết, hữu ích của câu lạc bộ học mang lại, đồng thời xem đây như giải pháp để giáo dục toàn diện học sinh, song thầy Bùi Bằng Đoàn cho rằng vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ để các mô hình câu lạc bộ phát triển chiều sâu. Minh chứng, hiện nay việc giao người phụ trách câu lạc bộ ở mỗi trường một kiểu. Vấn đề nhân sự, nội dung triển khai trong các câu lạc bộ cũng chưa có cơ sở, văn bản quy định, hướng dẫn, thống nhất chung.
Cơ sở vật chất cho triển khai câu lạc bộ cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Các môn học như nghệ thuật (Âm nhạc, Đàn, Mỹ thuật, Công nghệ…) đòi hỏi phải có phòng học chuyên dụng. Trong khi đó các trường chỉ có phòng học thông thường, trang thiết bị đồ dùng dạy học chưa đáp ứng được tính chuyên biệt. Đồ dùng, thiết bị dạy học dù được đầu tư theo Chương trình GDPT mới cũng chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu của mô hình câu lạc bộ.
Đặc biệt, hoạt động câu lạc bộ không thể sắp xếp hết vào giờ hành chính, còn ngày nghỉ cuối tuần khó triển khai. “Giáo viên dù nhiệt tình, tự nguyện cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình. Không thể ép giáo viên tham gia ngày nghỉ bởi cả tuần vừa kiêm nhiệm dạy học lẫn phụ trách các câu lạc bộ…”, thầy Đoàn chia sẻ.
Thầy Trần Quang Hồng cũng chỉ ra, kinh phí dành cho hoạt động câu lạc bộ hạn hẹp đang trở thành rào cản của chất lượng. Một số câu lạc bộ đòi hỏi đầu tư nhiều như nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM… thì nguồn kinh phí của trường không đủ. Học sinh không thể đóng góp lớn. Việc xã hội hóa không dễ dàng…
Vấn đề khác cũng được thầy Hồng lưu ý chính là chất lượng của đội ngũ phụ trách câu lạc bộ bởi nếu không đảm bảo được yêu cầu thì hoạt động câu lạc bộ dễ đi vào bề nổi, không có phương pháp hiệu quả để khơi dậy năng khiếu, phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh... Từ những hạn chế, khó khăn của mô hình câu lạc bộ trong các nhà trường, thầy Hồng cho rằng để câu lạc bộ phát huy vai trò, góp phần giáo dục toàn diện cần sự đầu tư cả nguồn lực và nhân lực; có hướng dẫn triển khai, quy định chung…
Tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh, Nguyễn Minh Hùng, lớp 12 Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) được thầy, cô, bạn bè nhận xét kỹ năng giao tiếp tiến bộ từng ngày. Câu lạc bộ tiếng Anh còn giúp em tự tin, nâng cao kiến thức và tiếng Anh không còn là môn học khó khăn…