Hai nữ nhà thơ mở triển lãm hội họa

Trần Hoà | 15/05/2023, 08:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai nhà thơ ở hai thế hệ khác nhau nhưng cùng chung đam mê với hội họa, đã cùng mở triển lãm đôi mang tên 'Ngẫu biến'.

“Khi vẽ, chúng tôi vẽ bằng vốn sống và tâm thức của mình, trong lòng không có những trường phái như trừu tượng hay biểu hiện trừu tượng. Vẽ tranh hay nặn gốm mà dường như chẳng có một mục đích nào khác ngoài mục đích tự thân của chính nó”, nhà thơ, họa sĩ Hồng Lĩnh cho hay.

Hội họa lên tiếng khi ngôn ngữ bất lực

Hai nữ nhà thơ mở triển lãm hội họa ảnh 2
Nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh).

Ở một thế hệ khác, nhà thơ ng. anhanh (Nguyễn Thanh Anh) cũng là một nghệ sĩ thị giác. Cô đã sáng tác thơ được hơn 17 năm với các bút hiệu: Tiểu Anh, Anh Anh… và đã in một tập thơ song ngữ “Đã là một phiền toái” (2019) - tập thơ được đánh giá cao trong giới chuyên môn, thể hiện một cá tính mạnh mẽ không che đậy với lối thơ tự thú lần đầu xuất hiện trong thơ tiếng Việt, được dịch và giới thiệu ở Thụy Điển, Séc…

Ng. anhanh đến với hội họa mỗi khi muốn bộc lộ hoặc diễn đạt một trạng thái khác thường mà ngôn ngữ hoàn toàn trở nên bất lực. Cô cũng mở triển lãm đầu tiên vào tháng 12/2021 tại TPHCM với tên gọi “Theo đuổi những phiền toái”.

Đầu tháng 4/2022, ng. anhanh có triển lãm “Làm màu”. Cô nói rằng, thà làm màu chứ không gây chiến. “Làm màu” theo nghĩa lóng của tiếng Việt hàm chỉ một người thích tô vẽ bản thân thể hiện cái tôi cá nhân, và hiện nay từ ngữ này dần chuyển hướng không còn nghĩa tiêu cực hàm ý dè bỉu nữa, mà như một lời chấp nhận sự khẳng định thể hiện bản thể, dù cho có thể gây chướng mắt đối với những định kiến. Với tôi, làm màu trong hội họa đi theo đúng nghĩa đen, chính là chơi đùa và thực hành với màu sắc”.

Hai nữ nhà thơ mở triển lãm hội họa ảnh 3

Trong hội họa của ng. anhanh, có khi là vẽ, có khi là tô, có khi như đang phá phách hoặc như đang uốn nắn. Có khi lại ngạo nghễ, chấm phá và viết nguệch ngoạc theo một kiểu chơi không lề thói. Những sắc màu cứ thế va chạm vào nhau, nương tựa và luồn lách qua nhau. Nhưng người xem vẫn cảm nhận tính hòa nhập, đa sắc mà không rơi vào trạng huống hỗn mang.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nhận định rằng, chất liệu màu acrylic trên giấy thay cho những bức acrylic trên bố, đầy tràn sắc thái trừu tượng trữ tình - là nỗ lực thử nghiệm phong cách tachist (achisme - vệt màu), kết hợp trừu tượng biểu hiện hành động và được thể hiện trực quan.

Ngoài ngôn ngữ thơ, có thể xem sự biểu đạt trong những tác phẩm hội họa của ng. anhanh như một tiếng nói khác, một nghệ thuật khác - xuất phát từ nhu cầu tự thân, đánh thức một “nghệ sĩ nội tại”, mà trong đó tinh thần trẻ thơ là cần thiết cho mọi trò chơi sáng tạo.

“Khi chị Hồng Lĩnh chọn tên cho triển lãm chung lần này là “Ngẫu biến”, tôi đồng ý vì thấy thú vị và phù hợp. Ngoài nghĩa ngẫu nhiên, bất chợt như cách chúng tôi chọn cùng làm dự án chung sau vài lần tình cờ gặp gỡ, thì “ngẫu” còn có nghĩa là số chẵn, cùng nhau - đối nhau. Tính biến thiên và thích nghi của nữ giới cũng là một đặc điểm khác biệt trong sáng tác hội họa và thơ văn, vừa là dòng nước vừa là con cá”. 

Nghệ sĩ ng. anhanh

Bài liên quan
Sự kiện vinh danh "nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân chưa được cấp phép
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết sự kiện vinh danh "nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân được tổ chức khi chưa có văn bản hướng dẫn và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai nữ nhà thơ mở triển lãm hội họa