Đánh giá về nội dung của Chương trình mới ở môn Khoa học tự nhiên, thầy Trương Công Giáo, Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa) cho rằng, Chương trình mới hướng tới sự phát triển năng lực và phẩm chất của HS.
Đặc biệt, nội dung trong sách giáo khoa cũng gần gũi, thực tế thay vì kiến thức hàn lâm, HS cũng được thực hành nhiều hơn thay vì “học vẹt”.
Theo thầy Giáo, với môn Khoa học tự nhiên các chủ đề Lý - Hóa - Sinh được tách bạch. Tuy nhiên, việc ghi chép của HS hiện cũng theo từng phân môn để tránh nhầm lẫn, nhất là với HS lớp 6.
“Chương trình mới hướng tới năng lực của HS nhiều hơn nên cũng đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài giảng một cách công phu và phong phú. Đặc biệt, việc cho các em được thực hành nhiều kết hợp làm việc nhóm sẽ giúp HS dễ dàng tiếp thu kiến thức”, thầy Giáo chia sẻ.
Thầy Trương Công Giáo - Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh) trong giờ dạy phân môn Hóa (Khoa học tự nhiên) tại lớp 6D. |
Cũng theo thầy Giáo, trong quá trình giảng dạy, việc gần gũi, không tạo áp lực cho HS cũng giúp không khí lớp học trở nên nhẹ nhàng. Từ đó, HS cũng tự tin phát biểu ý kiến, mạnh dạn nói ra những khó khăn, vướng mắc giúp giáo viên có phương án tháo gỡ phù hợp.
Cô Nguyễn Thị Hường - Trường THCS Hà Bắc (Hà Trung, Thanh Hóa) đánh giá, nội dung môn Khoa học tự nhiên lớp 6, 7 ở phân môn Sinh rất thực tế, gần gũi với HS. Vì vậy, HS cũng dễ dàng trong việc tiếp cận và tìm tòi kiến thức.
“So với lớp 6, Chương trình lớp 7 phân môn sinh được sắp xếp khoa học và logic hơn. Với lớp 6, nội dung chương trình cũng phù hợp, tuy nhiên ở phần thực hành do chưa có trang thiết bị phù hợp nên giáo viên chỉ có thể cho các em quan sát trên video. Vì vậy, HS chưa trang bị được kỹ năng thực hành theo đúng yêu cầu”, cô Hường cho hay.
Theo cô Hường, hiện nay giáo viên đều tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của nhà trường để giảng dạy. Với môn Khoa học tự nhiên, cô Hường thường áp dụng phương pháp trải nghiệm, thực hành, vấn đáp và hoạt động nhóm,... để tạo sự sinh động hứng thú cho giờ học.
“Với phương pháp thực hành thí nghiệm hiện vẫn chưa triển khai được thường xuyên do trang thiết bị đáp ứng theo yêu cầu Bộ GD&ĐT chưa cấp về. Vì vậy, chúng tôi thường áp dụng phương pháp phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương”, cô Hường nói.
“Ứng dụng công nghệ tương tác thông minh không chỉ giúp giờ dạy diễn ra thuận lợi mà tiết học còn trở nên rất sinh động. Đặc biệt, việc ưu tiên kênh hình, kênh trực quan giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức”, thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan.