Hiệu trưởng đừng chờ cấp trên chỉ đạo mà hãy thay đổi

Dương Cầm | 01/09/2022, 09:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ai trong số các Hiệu trưởng không nhận ra sức mạnh của công nghệ trong dạy học. Hiệu trưởng đừng chỉ chờ cấp trên chỉ đạo mà hãy thay đổi.

Việc dạy và học trực tuyến hay ứng dụng các phần mềm công nghệ vào công tác giáo dục là một phần tất yếu trong thời đại công nghệ số.

Khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn nhiều, song chúng ta có triển khai làm được không? Thực tế là được, mà tốt là khác. Còn hiệu quả thế nào thì vẫn là hướng tiếp cận sao cho phù hợp và khoa học mà thôi.

12

Đừng chỉ loay hoay với phần mềm

Mà: Sử dụng được phần mềm vào công việc dạy học. Điều đó có nghĩa là gì? Đó là thay vì nhiều báo cáo viên chỉ tập trung giới thiệu, minh họa: Phần mềm này có chức năng gì; Dùng nó ra sao?…

Thì: Với việc tập huấn cho giáo viên, chúng tôi có yêu cầu khác. Cần tiếp cận từ phía người giáo viên, đóng vai họ để xem, trong hoạt động dạy học thì họ cần tổ chức các nội dung như thế nào, rồi khai thác phần mềm, để chỉ cho họ biết phần mềm là công cụ giúp họ ra sao.

Tôi lấy ví dụ, khi con tôi học online, với một lớp hơn 40 học sinh, việc gọi học sinh trả lời câu hỏi của giáo viên bảo đảm 2 mục tiêu: (1) Đánh giá việc học của học trò; (2) Dẫn dắt quá trình khám phá của các em là rất khó.

Nhiều phụ huynh kêu rằng: “Một tiết, thầy giáo chỉ gọi được mấy bạn, mãi không thấy gọi con chị”… mà việc bọn trẻ có cơ hội để “được gọi”, “được thầy biết đến” là rất cần công bằng.

Vậy, thì khi tập huấn phần mềm ta cần chỉ ra cách để giúp giáo viên hiện thực hóa hoạt động giáo dục này. Lúc đó, chúng ta mới tìm hiểu các ứng dụng nào của phần mềm sẽ giúp giáo viên làm được việc: Tất cả học sinh đều bày tỏ ý kiến, sản phẩm của mình…

Ở một ví dụ khác, cái khó trong dạy học, đó là học phù hợp với năng lực các em, cả ở khía cạnh trình độ và phong cách học, đảm bảo cả chống những gian lận…

Vì thế, cần chỉ ra cho họ, phần mềm sẽ giúp việc phân hóa thế nào, tương tác nhóm ra sao, lưu kết quả học tập của học sinh thế nào? Sức người có hạn, nhưng công nghệ thì có thể giúp giáo viên làm được điều ấy.

Công nghệ sẽ rất buồn, khi nó rất mạnh, nó rất tốt, thế nhưng ít người khai thác đúng nó, lại cũng vì thế, mà người ta sẽ ngại nó, ngại đến chống trả thì sao? Công nghệ sẽ chẳng ra sao khi việc ứng dụng nó lỗ chỗ.

Tôi có theo dõi các khóa tập huấn cho giáo viên, thấy việc phổ biến kiến thưc dạy online thật quý, nhưng nghề giáo đòi hỏi cả thực hành. Hơn nữa, bấy lâu nay, nhiều tập huấn thất bại, là vì bày cho giáo viên cách làm không sát, họ khó ứng dụng, thế là học xong sẽ bỏ đấy. Lại thêm rằng, chúng ta cứ nói “lấy học trò làm trung tâm”, nhưng khi giáo viên đi học thì chẳng được trải nghiệm vị trí trung tâm ấy! Thử hỏi, giáo viên có gặp khó không?

“Ai” và điều kiện cần để dạy trực tuyến hiệu quả

Ai trong số các Hiệu trưởng coi “dạy học trực tuyến là đối phó” khi không thể dạy học trực tiếp, khi có dịch!?

Ai trong số các Hiệu trưởng mặc dù nói: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến” nhưng chưa có hành động nào cụ thể thúc đẩy sự sáng tạo, quản lí hiệu quả bằng công nghệ!?

Ai trong số các Hiệu trưởng chờ đợi cấp trên chỉ đạo, hệ thống thay đổi thì mình mới thay đổi!

Ai trong số các Hiệu trưởng không nhận ra sức mạnh của công nghệ trong dạy học…

Những ai là “đáp án” trong những câu hỏi trên chính là người cản trở sự phát triển của giáo dục.

Nỗi sợ và sự đối phó cần được loại bỏ

Mấy hôm nay tôi bị cuốn vào nỗi sợ của đồng nghiệp, của phụ huynh và của người nhà tôi khi: Lớp của con họ được thông báo dự giờ, thế là giáo viên được dự giờ kéo phụ huynh, học sinh vào “sự chuẩn bị đến phát sợ”.

Ôi chao, chỉ dự giờ online thôi mà phụ huynh cuống lên, cả ngày giục con rồi con giục lại, chuẩn bị thiết bị, chuẩn bị bài…

Anh bạn tôi thì tổng hợp những lời kêu than của các giáo viên về việc dự giờ. Có vẻ như đại đa số giáo viên đều không muốn được dự giờ.

Tại sao thế nhỉ?

Có phải chăng người ta đi dự giờ là muốn được dự được giờ dạy hoàn hảo! Hay người được dự cũng không muốn người dự thấy người dạy là giỏi, là hoàn hảo!?

Hoàn hảo thế nào được, khi ngay từ nhận thức đã “méo mó”.

Dự giờ là để biết: Giờ dạy ở thực tiễn thế nào? Xem học sinh học ra sao? Người dạy học thế nào? Những gì cần cải thiện để hướng đến việc học được như mong muốn? Những gì cần khắc phục để tránh đi những ảnh hưởng không mong muốn? Những gì có thể nhân rộng, có thể học lẫn nhau!

Dự giờ mà cứ để giáo viên, phụ huynh, học sinh sợ thế này thì thà đừng dự giờ còn hơn!

Bài liên quan
Những nữ hiệu trưởng góp sức đổi thay diện mạo giáo dục mầm non vùng khó
Bằng sự quyết tâm và nỗ lực hết mình, nhiều nhà giáo đã góp phần làm thay đổi diện mạo của giáo dục vùng khó xứ Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng đừng chờ cấp trên chỉ đạo mà hãy thay đổi