Hoàn tất việc điều chỉnh lại tổ hợp môn học

Hồ Phúc | 18/08/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Các trường THPT tại TPHCM hoàn tất việc điều chỉnh lại tổ hợp môn học, sắp xếp giáo viên giảng dạy. Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, học sinh dễ dàng hơn vì chỉ cần chọn 4 thay vì 5 môn học tự chọn như trước.

Học sinh dễ dàng lựa chọn

Thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), cho biết, 589 học sinh lớp 10 tuyển vào năm học 2022 - 2023 được nhà trường phân thành 13 lớp với số lượng chọn các môn tổ hợp tương đối đồng đều. Nhà trường triển khai 7 môn tự chọn chia làm 8 tổ hợp lớp. Trong đó có 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật do không có giáo viên nên không triển khai. Nhà trường đang đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM tuyển thêm giáo viên dạy 2 môn này để chuẩn bị cho năm học tới.

Cũng theo chia sẻ của thầy Tài, việc đưa ra các tổ hợp dựa trên tình hình nhân sự nhà trường. Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường không gặp khó khăn để sắp xếp lại tổ hợp bộ môn. Giáo viên nhà trường có thể đáp ứng được, còn học sinh thì dễ dàng hơn vì chỉ cần chọn 4 thay vì 5 môn học tự chọn như trước. Nhìn chung, năm nay không có tình trạng dôi dư hay thiếu hụt quá lớn về mặt đội ngũ giáo viên giảng dạy. Thuận lợi của nhà trường là đội ngũ thầy cô trẻ, nhiệt tình, tâm huyết và có năng lực.

“Vì tổ hợp tự chọn sẽ theo học sinh suốt những năm THPT nên ngay khi học sinh nộp hồ sơ, giáo viên của trường đã định hướng dựa trên nguyện vọng và năng lực của từng em. Chẳng hạn, nếu điểm thi vào lớp 10 của học sinh quá thấp thì không nên đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên. Với những học sinh có quyết tâm, thầy cô đã tư vấn, động viên các em theo đuổi nguyện vọng của mình và nhà trường sẽ tạo điều kiện, bồi dưỡng hết sức”, thầy Tài chia sẻ.

Công tác tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức) đã hoàn tất từ đầu tháng 8. Theo cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, về thiết kế tổ hợp bộ môn, nhà trường triển khai sớm, phụ huynh và học sinh đều nắm nên có những định hướng cơ bản. Học sinh đăng ký các môn thiên về nhóm tự nhiên nhiều hơn gấp 3 lần các nhóm môn xã hội. Đội ngũ giáo viên được chọn lọc đã sẵn sàng cho năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới. Đặc biệt, việc thay đổi môn Lịch sử thành bắt buộc thay vì tự chọn cũng không ảnh hưởng lớn đến việc đăng ký, xếp lớp của học sinh.

“Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, với 52 tiết/năm học không gây khó khăn với trường THPT. Bởi đa phần các trường đều sẵn nguồn nhân lực để đáp ứng. Đặc biệt, thầy cô cũng được tập huấn về Chương trình GDPT 2018 nên chắc chắn sẽ bắt nhịp với yêu cầu mới”, cô Hà cho hay.

Học sinh dễ dàng lựa chọn tổ hợp môn ảnh 1
Giáo viên Trường THPT Thủ Thiêm tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học.

Quyết tâm đổi mới phương pháp

Thầy Dương Đinh Ngọc Báu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho hay, Lịch sử trở thành môn bắt buộc, đội ngũ giáo viên dạy môn này rất phấn khởi. Bên cạnh niềm vui, các thầy cô cũng không tránh khỏi những băn khoăn, áp lực đó là làm sao đổi mới phương pháp, cách dạy để môn học này ngày càng hấp dẫn học sinh hơn.

“Giáo viên chúng tôi luôn xác định phải tích cực, chủ động trong việc thay đổi phương pháp trong dạy học. Giảng dạy lớp 10 theo chương trình mới đã giúp giáo viên giải tỏa một phần lo lắng về mặt nội dung. Bởi khi chương trình khó, nặng được giảm bớt, những nội dung gần gũi, thiết thực hơn được nâng cao, tập trung và ít dàn trải như trước. Đặc biệt, thời gian qua các giáo viên đều được tập huấn, nắm bắt chắc những nội dung của chương trình mới. Đồng thời, chúng tôi cũng tự bồi dưỡng thêm phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, đáp ứng việc giảng dạy môn Lịch sử”, thầy Báu chia sẻ.

Những năm qua, trong quá trình giảng dạy, các thầy cô bộ môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) không chỉ soạn nội dung bài giảng, giao bài tập nhỏ, chia nhóm cho học sinh thuyết trình, mà còn tổ chức cho các em đến bảo tàng, di tích lịch sử để bài học gắn liền với kiến thức thực tế hơn.

Do đó, khi Bộ GD&ĐT công bố Lịch sử là môn bắt buộc, các thầy cô trong Tổ Sử, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học làm sao để phát triển tư duy, tính tò mò vốn có của học sinh với môn học này.

“Bộ sách Lịch sử lớp 10 có nội dung soạn thảo, hình ảnh được thiết kế sinh động và trực quan, thu hút. Cụ thể như sách Lịch sử thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 10, kiến thức 5 bài đầu hơi cao, điều này đòi hỏi giáo viên phải đi vào giải thích cho các em hiểu rõ. Còn các bài sau nội dung được rút ngắn, cô đọng rất hay so với sách cũ.

Các thầy cô trong tổ ai cũng quyết tâm, nỗ lực nắm chắc kiến thức trong Chương trình, sách giáo khoa mới, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp tạo hứng thú, đam mê cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Hồng Ân, Tổ trưởng Tổ Sử Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) cho hay.

Với quyết định Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bậc THPT sẽ có 8 môn học/hoạt động bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh sẽ được chọn học 4 môn thuộc nhóm môn học lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Bài liên quan
Cần Thơ: Chủ động giải pháp giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10
GD&TĐ - Bên cạnh công tác xây dựng tổ hợp và tư vấn định hướng lựa chọn môn học mới, các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn hết sức chủ động trong việc xây dựng các giải pháp ưu tiên, giúp học sinh ổn định tâm lý trong lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 mới

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn tất việc điều chỉnh lại tổ hợp môn học