Hoàng Tăng Bí biến họa thành phúc, đi tù vẫn đỗ Phó bảng

Trần Hoà | 05/07/2022, 14:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhờ có nhạc phụ bảo lãnh, sau một năm ở Hỏa Lò – Hoàng Tăng Bí bị quản thúc tại Huế 15 năm. Biến họa thành phúc, ông dùi mài kinh sử để đi thi và đỗ Phó bảng.

Đang là tù nhân bị quản thúc mà vẫn có thể đi thi và đỗ Phó bảng, đó là chuyện hi hữu trong lịch sử khoa bảng nước ta. Hoàng Tăng Bí không chỉ là một nhà yêu nước nhiệt thành, một vị túc nho uyên thâm – ông còn nêu gương sáng cho đời, khi trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn không quên việc học.

Dòng họ khoa bảng

Hoàng Tăng Bí (1883 - 1939), quê ở Đông Ngạc, phủ Hoài Đức nay là phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm - Hà Nội). Làng Đông Ngạc còn có tên Nôm là Kẻ Vẽ - vùng đất nổi tiếng học giỏi và có nhiều nhà khoa bảng nổi danh Thăng Long.

Hoàng Tăng Bí sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư, có nhiều người đỗ đại khoa. Cụ Hoàng Đình Hân (1715 - 1789) nguyên ở đất Đông Bình, huyện Gia Bình trấn Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh) làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, được phong tước Gia Diễn hầu.

Đến đời Hoàng Nguyễn Thự - con trưởng của Hoàng Đình Hân, lấy con gái thầy dạy - cụ Giải nguyên Phạm Gia Huệ là bà Phạm Thị Hội ở thôn Đông Ngạc. Từ đó, đất Đông Ngạc trở thành quê hương của một chi họ Hoàng, và họ Hoàng đã góp thêm phần rạng danh đất Đông Ngạc khoa bảng.

Năm 1787, Hoàng Nguyễn Thự đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi - khoa thi cuối cùng của triều nhà Lê. Sang đến triều Tây Sơn, Hoàng Nguyễn Thự được cử giữ chức Hiệp trấn Lạng Sơn. Ông để lại cho đời hai tác phẩm thơ “Di thảo tập thượng” và “Di thảo tập hạ”, thể hiện lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc.

Nối nghiệp cha, con trai út là Hoàng Tế Mỹ đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất (1826). Ông làm quan trải ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức và được thăng tới chức Tham tri Binh bộ, khi mất được truy tặng Thượng thư bộ Lễ.

Đời nối đời, con trai cả của tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ là Hoàng Tướng Hiệp đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1865), làm Án sát xứ Lạng Sơn rồi Tuần phủ Tuyên Quang, sung tham tán quân vụ đại thần. Hoàng Tăng Bí là đời thứ 5 của gia tộc họ Hoàng ở Đông Ngạc, tính từ cụ tổ Hoàng Nguyễn Thự.

Năm 1906, Hoàng Tăng Bí khi đó mới 22 tuổi, lều chõng đi thi và đỗ ở vị trí Á nguyên tại Trường thi Nam Hà (sau Phạm Tư Trực) trong một cuộc thi cử nhân có 6.121 người tham dự.

Đêm ngày dốc lòng vì nước

Hoàng Tăng Bí: Biến họa thành phúc, đi tù vẫn đỗ Phó bảng ảnh 1
Bia đá ghi danh tiến sĩ làng Đông Ngạc.

Trong thời gian Hoàng Tăng Bí đỗ cử nhân, ngọn gió canh tân từ Nhật Bản lan đến Hà Nội. Những tân văn, tân thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã cổ vũ, thúc giục các sĩ phu yêu nước tìm đến con đường duy tân để cứu nước.

Đầu năm 1907, trường Đông kinh Nghĩa thục thành lập do cụ Lương Văn Can làm Thục trưởng, cụ Nguyễn Quyền làm Giám học. Hoàng Tăng Bí tham gia cả Ban giáo dục, dạy Hán văn và Ban cổ động.

Theo ThS Phạm Kim Thanh - Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Nhóm sĩ phu nhiệt tâm dạy chữ quốc ngữ, xoá nạn mù chữ cho dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đông kinh Nghĩa thục đã mở được bốn phân hiệu ở cả Hà Đông và Sơn Tây.

Theo Lý Tùng Hiếu trong sách “Lương Văn Can và phong trào Đông Du”, thì: “Riêng phân hiệu ở quê hương Chèm Vẽ của Hoàng Tăng Bí trực tiếp chỉ đạo và do Tú tài Nguyễn Hữu Tiến, Thủ khoa Nguyễn Châu Đỉnh, hai anh em Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên tổ chức”.

Không chỉ giảng dạy khắp các vùng Chèm Vẽ, Hà Đông, Hoàng Tăng Bí còn đi diễn thuyết, cổ động cho tư tưởng duy tân, học vấn đi đôi thực nghiệp, kinh doanh, mở mang công thương - lấy chữ Tín làm đầu, làm cho dân giàu nước mạnh.

Những diễn giả Phan Chu Trinh, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, được công chúng hâm mộ và nổi tiếng về tài diễn thuyết. Vì vậy thơ khuyết danh mới có câu: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách đến như mưa”.

Không hô hào suông, sĩ phu còn làm gương cho dân chúng và cũng là để gây quỹ hoạt động cho Đông kinh Nghĩa thục, họ hùn vốn mở công ty. Hoàng Tăng Bí mở Công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai - cũng chính là tư gia của ông ngoại - cụ Nguyễn Trọng Hiệp, Kinh lược xứ triều Nguyễn và là thầy dạy vua Thành Thái.

Công ty chuyên buôn bán hàng nội và mở xưởng dệt xuyến hoa, làm trà ướp… Kính phục Hoàng Tăng Bí và các sĩ phu, trong diễn ca “Nam Thiên phong vận”, nhân dân ca ngợi: “Xã Đông Ngạc Hoàng quân Tăng Bí/ Tánh thông minh tuổi trẻ khác thường/ Tướng môn dòng dõi họ Hoàng/ Á môn giá cũng xem thường nhẹ không/ Đêm ngày dốc một lòng vì nước/ Đông Thành Xương đứng trước ra buôn… Cho hay những bậc tài danh/ Vì giang sơn phải dấn mình bước ra”.

Hoạt động yêu nước của Đông kinh Nghĩa thục và vụ đầu độc để giết lính Pháp trong Thành Hà Nội (1908) làm cho thực dân Pháp kinh hoàng. Chúng bắt đóng cửa trường và công ty của các sĩ phu. Hoàng Tăng Bí bị kết án 5 năm khổ sai đưa đi Côn Đảo. Nhờ có nhạc phụ là Cao Xuân Dục - Thượng thư bộ Học bảo lãnh, sau 1 năm ở Hỏa Lò, Hoàng Tăng Bí bị đưa đi quản thúc tại Huế 15 năm.

Giúp con nối chí vì nước

Hoàng Tăng Bí: Biến họa thành phúc, đi tù vẫn đỗ Phó bảng ảnh 2
Dòng họ Hoàng đã làm vẻ vang cho làng khoa bảng Đông Ngạc (Đình Đông Ngạc).

Trong thời gian “tù treo” ở Huế 15 năm, biến họa thành phúc, Hoàng Tăng Bí dùi mài kinh sử để đi thi và đỗ Phó bảng năm 1910. Không ra làm quan, ông mở trường tư dạy học, viết kịch bản của ba vở tuồng: Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký (nhà in Mạc Đình Tư xuất bản, 1913); Nghĩa nặng tình sâu - tuồng Mị Châu Trọng Thủy (nhà in Nghiêm Hàm xuất bản, 1926); Thù chồng nợ tước - tuồng Trưng Trắc Trưng Nhị (nhà in Tân Dân xuất bản, 1927).

Sau 15 năm bị quản thúc ở Huế, năm 1929 Hoàng Tăng Bí trở lại với nghề dạy học xưa, dạy Việt văn ở trường Gia Long. Tuy nhiên, thực dân Pháp biết tiếng nên đề phòng bằng cách cấm không cho dạy. Hoàng Tăng Bí liền cộng tác với báo “Trung Bắc tân văn”, viết nhiều bài về đạo đức, nhân cách của người cầm bút trong thời đại Âu hóa.

Ngoài ra, ông cũng dịch một số tác phẩm của văn học Pháp nhưng không có điều kiện xuất bản. Đặc biệt, ông đã nghiên cứu và viết cuốn “Lược khảo lịch sử Trung Quốc”, lấy bút danh Tiểu Mai mong người nước Nam soi vào gương thành bại của họ để cứu nước.

Chí khí và lòng yêu nước của Hoàng Tăng Bí đã ảnh hưởng lớn đến con trai – GS Hoàng Minh Giám. Trong khi cha còn bị quản thúc ở Huế, thì Hoàng Minh Giám đã hoạt động trong phong trào yêu nước và dân chủ, viết cho báo “Tiếng chuông rè” của Nguyễn An Ninh, “Người nhà quê” của Nguyễn Khánh Toàn, “Nước Nam mới” của Phan Văn Trường.

Để dẹp yên phong trào đấu tranh đang diễn ra mạnh mẽ, chính quyền thực dân đã tổ chức một cuộc đối thọai với sinh viên tại trụ sở thanh niên ở phố Vọng Đức.

Bài diễn văn do Hoàng Minh Giám và Nguyễn Khánh Toàn soạn thảo vạch trần chính sách áp bức, bất công, sự cách biệt trong đãi ngộ giữa người Pháp với người Việt, chính sách ngu dân, lừa bịp của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Bài diễn văn nảy lửa đã khiến chính quyền thực dân sôi máu, ra lệnh truy tìm gắt gao tác giả. Nguyễn Khánh Toàn bị lộ nên phải trốn vào miền Nam. Đối với Hoàng Minh Giám, tuy biết là có tham gia nhưng vì không có chứng cứ nên không làm gì được, vẫn phải cho đỗ tốt nghiệp.

Hoàng Tăng Bí không chỉ họat động văn hoá mà còn là trụ cột vững chắc cho tư tưởng và hành động của Hoàng Minh Giám - khi quyết định mở trường tư thục Thăng Long năm 1935.

Trong lễ kỷ niệm thành lập trường, GS Hoàng Minh Giám đã viết: “Trong thâm tâm của anh em chúng tôi, cái danh từ nền tư thục gợi nhớ đến Đông kinh Nghĩa thục. Chúng tôi thầm nghĩ trường Thăng Long phải xứng đáng là một nghĩa thục theo gương Đông kinh Nghĩa thục nhưng phải khôn khéo để có thể tồn tại lâu dài”.

Hoàng Tăng Bí hài lòng vì đã có người con nối chí nối nghiệp giúp dân cứu nước. Ông qua đời ở tuổi 56 tại quê hương Đông Ngạc vào năm 1939.

“Trải qua gần một thế kỷ, vẫn còn nguyên trong khuôn viên khu nhà thờ tổ - tính từ cụ tổ của chi họ thứ ba là Hoàng Tướng Hiệp - ông nội cụ Hoàng Tăng Bí, bức hoành phi lớn đã được sơn son thếp vàng, sắc phong vua ban trang trọng đặt trong bàn thờ tổ. Từ mảnh đất Đông Ngạc khoa bảng, con cháu cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí đã nối nghiệp, đóng góp cho quê hương, đất nước…”. - ThS Phạm Kim Thanh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Hành Thiện và huyền tích cá chép vượt vũ môn
Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàng Tăng Bí biến họa thành phúc, đi tù vẫn đỗ Phó bảng