Hồn làng Việt qua nghệ thuật khắc họa của Bảo Toàn

Trần Hoà | 01/11/2022, 15:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sinh ra tại Hà Nội phố nhưng tranh và gốm của họa sĩ Bảo Toàn luôn chất chứa nỗi niềm làng Việt.

“Làng thời tôi ngày xưa đẹp lắm, đất đỏ, lũy tre. Tôi đi lang thang về Kinh Bắc, đi tắt vì sợ máy bay bỏ bom, xuyên qua hết làng này đến làng khác. Tường làng quét vôi trắng để cho sạch, còn có tác dụng giết sâu bọ, nên nó cứ ấn tượng mãi trong đầu. Thật ra làng Việt mình cũng không phải như thế này, mà những cái tôi vẽ nó cứ nửa mơ nửa thực”, họa sĩ Bảo Toàn chia sẻ.

Hồn làng Việt qua nghệ thuật khắc họa của Bảo Toàn ảnh 2
Họa sĩ Bảo Toàn (phải) đem lại nhiều thú vị với công chúng trong triển lãm 'Làng'.

Nghệ thuật tối giản

Cứ mỗi lần Bảo Toàn mở triển lãm mới, là công chúng lại hồi nhớ về những triển lãm cũ. Bởi vì ngoài sự tươi mới trong góc nhìn, sự chuyển đổi nghệ thuật của ông cũng rất đáng chú ý. Ông thay đổi mọi thứ, đúng như cách mà các làng quê đang thay đổi.

Năm 1994, Bảo Toàn có triển lãm “Đất qua lửa”, rồi Rằm tháng Bảy (1999), Đồng đội (2000), Mùa vàng (2003), Hội tụ (2004), Thời gian và tri thức (2007), Mạn ngược (2011)… Mỗi triển lãm đem đến một sự thú vị nhẹ nhàng nhưng sâu lắng như giếng khơi Bắc Bộ.

Đến năm 2017, triển lãm “Đất và Dó” mà Bảo Toàn mở chung với Lý Trực Sơn - hai họa sĩ nhuần nhị hòa vào nhau như hai dòng nước hòa làm một để tôn vinh đất và giấy dó. 45 tác phẩm của Bảo Toàn không chỉ thuần túy là gốm, mà ông đã tạo dựng cả một không gian dẫn dắt người xem đến với sự gần gũi: Bình, vại, chum và con giống… Còn Lý Trực Sơn quay trở lại với giấy dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới thể nghiệm sâu sắc về ngôn ngữ trừu tượng.

Quay trở lại với triển lãm “Làng” lần này, Bảo Toàn cho thấy ông đang đi từ cái phức tạp về cái giản dị. Tranh khúc chiết bởi sử dụng mảng miếng rõ rệt và những yếu tố cơ bản nhất của nghệ thuật tạo hình - là điểm và nét, kiệm màu và tối giản.

Nhìn kỹ những bức tranh, người xem thấy thời gian và không gian đều vận động mạnh mẽ, được cân bằng bởi bức tường làng. Như vậy, có hai không gian trong cùng tác phẩm. Không gian của những bức tường vôi trắng tĩnh tại và không gian bao quanh nó cuồn cuộn biến động.

Hồn làng Việt qua nghệ thuật khắc họa của Bảo Toàn ảnh 3
Tranh của Bảo Toàn đi đến sự đơn sơ và tối giản – kiệm màu.

Tường làng là đối tượng chính được tạo hình bằng mảng phẳng chạy ngang qua tác phẩm. Đối lập với nó là những nét chấm, gạch ngắn, đứt đoạn, lặp lại. Những nét đứt đoạn ngắn trong tranh ông kết tụ thành luồng, mật độ lúc mau lúc thưa cho cảm giác rõ rệt về chuyển động theo tuyến, tốc độ, thời gian mau chậm.

Họa sĩ Bảo Toàn nói rằng: “Tranh vẽ làng của tôi, đúng là làng của riêng tôi - là những hình ảnh hằn in trong tâm trí, có làng xã ở Hà Đông thuở tôi nhảy tàu điện đi bán kem, lại có cả những ôm ấp tình cảm làng xóm, có cả những quan sát từ cuộc sống hôm nay - mà nhờ ở làng, tôi mới có thể tĩnh tại suy ngẫm, cắt một góc làng là thấy phố nhưng nhiều góc phố quây tụ mới thành một làng”.

Bài liên quan
Trao giải Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022
(GDTĐ) - Chiều 6/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức khai mạc, trao giải thưởng "Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2022".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồn làng Việt qua nghệ thuật khắc họa của Bảo Toàn