Không thể khuyên kẻ cắp hoàn lương
Vấn nạn xâm phạm bản quyền, đánh cắp tác phẩm nghệ thuật hay công trình khoa học không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại là vấn nạn này ngày càng gia tăng, cả về mức độ hành vi và sự táo tợn của kẻ cắp.
Ngày 26/4 tại Hà Nội, trong tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng”, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định, trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng của Việt Nam đứng thứ nhì, thì thế giới không ai dám đứng thứ nhất.
Toạ đàm cũng nhắc lại chuyện “Quốc ca Việt Nam” bị tắt tiếng khi truyền hình trực tiếp trận bóng đá giữa Việt Nam - Lào hồi cuối năm 2021. Lúc đó, ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã gọi cho Giám đốc Google Đông Nam Á để hỏi lý do. Sau đó mới biết, chính đơn vị tường thuật đã làm việc đó. Họ thà tắt tiếng Quốc ca còn hơn bị đánh bản quyền.
Ông Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, việc xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan. Thậm chí, rất nhiều đơn vị vẫn nghĩ đến việc chi trả không cần phải cụ thể. Khi trung tâm áp dụng công nghệ đo đếm lượt sử dụng, chỉ trong vòng 24 tiếng đã có số liệu về từng đơn vị sử dụng tác phẩm. Có đơn vị nói chỉ dùng 500 bài/năm, nhưng khi yêu cầu kỹ thuật chuyển lại thống kê thì con số là 5.800 bài.
Không chỉ đối với âm nhạc, nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, văn học, hội hoạ, điêu khắc cũng thường xuyên bị xâm phạm bản quyền, hoặc đánh cắp ý tưởng tác phẩm.
Như báo GD&TĐ từng phản ánh về vụ việc liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, tác giả bị TS. Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại (Viện Văn học) tố vi phạm quyền tác giả.
Trước lùm xùm liên quan đến câu chuyện xâm phạm bản quyền. Cuối tháng 3/2022, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định tạm thời thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang.
Thực trạng xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi, các chuyên gia tại tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng” nhất trí rằng, khi trình độ xâm phạm đạt đến mức độ cao thì công cụ pháp luật là quan trọng. Chúng ta không thể chờ hay hi vọng vào ý thức của kẻ cắp, cũng không thể khuyên kẻ cắp hoàn lương, mà phải đẩy lùi vấn nạn “nhận vơ” tác phẩm bằng các quy định cụ thể.
Liên quan ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường bị “gậy bản quyền”. Ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với Giáo dục Thủ đô, phía BH Media nói “bài đó không phải của bên em, em không có quyền gì hết với bài ấy cả nên em không biết trả lời thế nào. Bên em không có dùng gì, và không có bản quyền gì đối với bài đó”.