Kiến nghị giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....

Toàn cảnh phiên họp.

Cần phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở sở giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026).

Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ: Có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục; các địa phương không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chính phủ thống nhất quan điểm quy định về hợp đồng làm công tác chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép các địa phương được hợp đồng giáo viên theo định mức, theo nhu cầu của vị trí việc làm thực tế tại địa phương; bổ sung kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên. Trước mắt, khi chưa giao đủ biên chế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán, bố trí ngân sách cho các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách để thực hiện hợp đồng lao động giáo viên cho số biên chế chưa giao bổ sung, nhằm bổ sung kịp thời số lượng giáo viên còn thiếu trong trường hợp không được giao bổ sung biên chế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương: đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao;

Chủ động xây dựng các giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên theo điều kiện của địa phương (điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, xem xét thay đổi vị trí việc làm hoặc tinh giản biên chế với những đối tượng phù hợp, bố trí đủ cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học…); tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về năng lực khai thác, chỉ đạo thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét, miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần có các giải pháp ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, có chính sách hỗ trợ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến, tiếp cận phương thức dạy học mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệđể trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến, phù hợp với phương thức dạy học mới.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung đầu tư, tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ em bước vào lớp 1; củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Từ năm 2017, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,98%, trẻ em khuyết tật trong độ tuổi mầm non đều có cơ hội được đến trường, môi trường giáo dục được hòa nhập có chất lượng hơn.

Là nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông cách trở, vì thế, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thành công này phần lớn nhờ vào chính sách đầu tư mục tiêu cho giáo dục mầm non của Chính phủ Việt Nam.

Đối với, giáo dục phổ thông, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều chỉ số về Giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kien-nghi-giao-bo-sung-so-bien-che-giao-vien-con-thieu-cho-nganh-giao-duc-QsdRjUfnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kien-nghi-giao-bo-sung-so-bien-che-giao-vien-con-thieu-cho-nganh-giao-duc-QsdRjUfnR.html
Bài liên quan
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về việc thống nhất một bộ sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục